Thủ tướng tham dự và phát biểu với tư cách là khách mời chính của Hội nghị, đại diện Việt Nam, một quốc gia tiêu biểu về phát triển kinh tế năng động tại châu Á, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư, đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị và cho chiến lược phát triển trong khu vực.
Thủ đô Riyadh rực rỡ ánh nắng dịp này cũng đang hết sức sôi động với hơn 7.100 đại biểu khắp thế giới đổ về tham dự một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu thế giới về tài chính.
Viện FII cho biết, các thỏa thuận có tổng trị giá 28 tỷ USD dự kiến sẽ được công bố nhân sự kiện này. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Viện FII đã tổ chức các sự kiện thường niên tại Riyadh. Hàng trăm phiên thảo luận chuyên đề và thảo luận toàn thể sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội nghị để thảo luận về các vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế, căng thẳng địa chính trị và phát triển công bằng.
Thủ tướng bày tỏ, không khí của Hội nghị FII8 diễn ra rất sôi nổi, là nơi quy tụ những tập đoàn, định chế tài chính, quỹ đầu tư hàng đầu của Trung Đông cũng như thế giới, thảo luận những chủ đề nóng hiện nay của kinh tế thế giới, được ví như “Diễn đàn WEF Davos ở vùng sa mạc”.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã chủ động, tích cực tham dự các chương trình nghị sự của hội nghị. Không khí bên trong phòng họp đã sôi động nhưng bên ngoài cũng không kém phần khi các nhà lãnh đạo gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi về những vấn đề mang tầm vĩ mô toàn cầu.
Tại những sự kiện quốc tế lớn tầm cỡ như thế này, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam luôn được các nguyên thủ, lãnh đạo các nước chủ động gặp gỡ để trao đổi về tăng cường quan hệ song phương, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, chống già hóa dân số… hoặc các kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Riyadh, bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai và thăm làm việc tại Saudi Arabia
Phát biểu tại Hội nghị FII8, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, điều đặc biệt quan trọng là không chính trị hóa đầu tư phát triển; ở bất cứ nơi đâu cũng cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng quốc gia, dân tộc, từng chủ thể cùng vươn lên…
Với tinh thần đó, Thủ tướng kêu gọi đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại các nước đang phát triển, các nước nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong một thế giới tốt đẹp; cùng đồng hành, phát huy tinh thần “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”, tăng cường hợp tác đầu tư với nhau, cùng nhau hướng đến “Chân trời vô tận”.
Vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hàng đầu, đang đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển mới theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đang đón đầu các xu thế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong số các nước Vùng Vịnh, Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi; các tập đoàn kinh tế lớn của nước này đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Chính vì vậy, chuyến công tác này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Saudi Arabia, đưa quan hệ này đi vào chiều sâu, thực chất trong thời gian tới.
Trong số các nước Vùng Vịnh, Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi; các tập đoàn kinh tế lớn của nước này đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm hết sức thành công với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman Bin Abdulaziz Al Saud trên tinh thần hiểu biết, tin cậy, chân thành. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đưa hợp tác kinh tế thành trụ cột chính trong quan hệ song phương, đưa Saudi Arabia trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và hướng đến việc nâng kim ngạch thương mại song phương lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2030; xác định trụ cột “hợp tác tương lai” của hai nước là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đưa giáo dục, du lịch, lao động giao lưu nhân dân trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư vào các lĩnh vực, dự án chiến lược, mang tính biểu tượng, đột phá tại Việt Nam; xem xét xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường tại khu vực Đông Nam Á; khai thác tiềm năng phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Nỗ lực đưa hợp tác kinh tế Việt Nam-Saudi Arabia lên ngang tầm với quan hệ chính trị, ngoại giao
Thủ tướng cho biết trong hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia, hai bên đã thống nhất cao cho rằng lãnh đạo hai nước cùng có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cùng khát vọng phát triển đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; đều coi trọng và tận dụng tối đa thời gian, coi trọng trí tuệ, phát huy tư duy, tầm nhìn mới; nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước, nâng cấp các cơ chế hợp tác trong thời gian tới.
Trong buổi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef, Bộ trưởng cho biết, sau buổi hội đàm giữa Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Hoàng Thái tử đã giao ngay “một lô bài tập về nhà” là soạn thảo các hiệp định quan trọng để ký kết với Việt Nam khi lãnh đạo Chính phủ Saudi Arabia dự kiến thăm Việt Nam tới đây. Thủ tướng Phạm Minh Chính liền đáp lời: “vậy Bộ trưởng và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng chạy marathon trong hoàn tất các hồ sơ đàm phán xem ai về đích trước!”. Lúc đó, không khí buổi tiếp trở nên rất vui vẻ, cởi mở và thân thiện.
Hợp tác về dầu khí cũng là chủ đề rất quan trọng bởi Saudi Arabia là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa hàng đầu của thế giới. Tại buổi Thủ tướng tiếp ông Amin Al-Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Saudi Arabia (Saudi Aramco) - một trong những doanh nghiệp có quy mô cũng như doanh thu lớn nhất thế giới, với doanh thu năm 2023 đạt gần 500 tỷ USD, lãnh đạo Aramco cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng, quan trọng của khu vực, do đó Tập đoàn mong muốn đầu tư vào lọc hóa dầu và phân phối xăng dầu tại Việt Nam; đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để Saudi Aramco thúc đẩy hợp tác thành công với các đối tác Việt Nam.
Trước thời điểm chuyến công tác Trung Đông này không lâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì một sự kiện quan trọng là Hội nghị thúc đẩy phát triển ngành Halal Việt Nam, thu hút rất nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan lĩnh vực công nghiệp Halal thuộc các nước Hồi giáo đóng góp ý kiến quý báu, kinh nghiệm hay để Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành này.
Trong chuyến công tác lần này, không chỉ Saudi Arabia mà một số nước Hồi giáo Vùng Vịnh như Jordan cũng cam kết với Thủ tướng Phạm Minh Chính hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực Halal - một hướng chiến lược mới mà Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh. Hoàng Thái tử Jordan Al Hussein bin Abdullah II hoan nghênh hướng đi mới của Việt Nam trong đầu tư phát triển ngành Halal, khẳng định khu vực Arab là thị trường rất tiềm năng và sẵn sàng phối hợp, nhập khẩu các sản phẩm lương thực Halal của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như mở rộng, tái xuất khẩu vào các thị trường khu vực.