Thúc đẩy hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Ðông

NDO - Bộ Ngoại giao, ngày 21-11, cho biết, sau ba ngày làm việc, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Ðông với chủ đề "Biển Ðông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" đã kết thúc tại TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Ðông thời gian gần đây, xác định các nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng căng thẳng và suy giảm lòng tin trong khu vực; kiến nghị những giải pháp thúc đẩy xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác khu vực nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định chung.

Các đại biểu cho rằng, Biển Ðông ngày càng trở thành tâm điểm sự chú ý của các nước trong và ngoài khu vực do trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực đều coi biển là không gian an ninh và không gian phát triển quan trọng trong thế kỷ 21. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến vấn đề Biển Ðông trở nên có liên hệ mật thiết với tình hình các vùng biển khác. Một số học giả cho rằng, quá trình hiện đại hóa quân đội dẫn tới gia tăng nhanh chóng năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực, tuy có mặt tích cực là giúp các nước khu vực tăng cường khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cứu trợ cứu nạn, nhưng cũng làm tăng rủi ro va chạm, đụng độ khó kiểm soát giữa các lực lượng ở trên biển...

Ðể xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, các học giả khuyến nghị, các quốc gia quanh Biển Ðông cần hợp tác và phối hơp chính sách trong quản lý nguồn sinh vật biển, thực hiện nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Nhiều đại biểu khẳng định, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được các tranh chấp như ở Biển Ðông, do vậy các giải pháp hòa bình là con đường duy nhất và cần thúc đẩy vai trò của ASEAN như nhân tố thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, điều cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát không để bất đồng làm nảy sinh xung đột, khủng hoảng. Các bên cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế khu vực nhằm định hướng ứng xử của các bên trong các tình huống cụ thể, nhất là xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, theo đó, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển phải được tôn trọng. Ðặc biệt, một quốc gia tham gia Công ước phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Công ước...