Thúc đẩy giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

NDO - Mặc dù đã khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu, nhưng tại cặp Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang (Việt Nam) - Thiên Bảo, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vẫn vắng người, hàng hóa. Lưu lượng người, hàng hóa qua lại cửa khẩu chỉ bằng 20% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Vận tải hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.
Vận tải hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Từ ngày 20/2 đến nay, khi cặp Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy-Thiên Bảo khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh, mỗi ngày có khoảng 100 người làm thủ tục, chủ yếu là người đi chợ, thăm thân. Lưu lượng người qua lại cửa khẩu bằng 20% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Hiện tại, phía Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, người nhập cảnh chỉ cần đo thân nhiệt, không yêu cầu xét nghiệm. Tuy nhiên, lượng người nhập cảnh không nhiều do còn tâm lý e ngại dịch bệnh.

Mặt khác, phía Trung Quốc hiện nay vẫn áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên lượng người xuất cảnh rất ít.

Theo đó, đối với người Việt Nam nhập cảnh vào Trung quốc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành theo quy định (không sử dụng giấy thông hành, hộ chiếu du lịch), đồng thời phải sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiệu lực trong 48 giờ do cơ quan có thẩm quyền xác nhận để làm thủ tục thông quan.

 Thúc đẩy giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy ảnh 1

Đo thân nhiệt đối với người nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng đã được khôi phục, trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy từ đầu năm đến nay đạt 35,9 triệu USD, tăng hơn 478% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 22,5 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,4 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 33,3 tỷ đồng.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ ván bóc, hoa quả, tinh bột sắc, chè, kim loại; hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị thủy điện, năng lượng điện, máy nông nghiệp, hoa quả…

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy Lương Trung Kiên cho biết: “Mặc dù tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng hoạt động giao thương hàng hóa qua lại chưa sôi động so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Trước kia, hàng xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy chủ yếu là nông sản từ các tỉnh miền nam. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, hoạt động giao thương hàng hóa tạm dừng, nhiều doanh nghiệp phía Trung Quốc hoạt động nhập khẩu nông sản Việt Nam phải chuyển hướng kinh doanh.

Thời gian gần đây mới khởi động lại nên cần thời gian để kết nối, tìm kiếm, đặt hàng tại các vựa nông sản miền nam".

Trong ngày 15/3, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã hội đàm với Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế biên giới Malypho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm thảo luận, đi đến thống nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa, hành khách, giao lưu văn hóa sôi động trở lại.

Theo đó, hai bên đã thống nhất, về công tác kiểm soát dịch bệnh, thôi áp dụng các biện pháp “phân đoạn vận tải quốc tế”, phân tách người và hàng hóa. Thay vào đó là phương án người xuất, nhập cảnh đeo khẩu trang, sát khuẩn, phương tiện vận tải hàng hóa được khử trùng theo quy định; không thực hiện xét nghiệm PCR trước 48 giờ đối với lái xe Việt Nam chở hàng nhập cảnh vào Trung Quốc.

Cùng với đó, thống nhất về thời gian thông quan cho phương tiện tại cửa khẩu, thực hiện từ 7 giờ đến 17 giờ trong điều kiện lưu lượng hàng hóa tăng cao.

Tạo điều kiện giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành cấp cho hành khách (sổ vàng).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên trong xuất, nhập khẩu, phân phối các mặt hàng hoa quả, nông sản địa phương.

Bên cạnh các giải pháp đã nêu, tỉnh Hà Giang cũng đang xem xét giảm phí hạ tầng tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, hiện phí hạ tầng tại cửa khẩu Thanh Thủy gần như ngang bằng với các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn. Trong khi đó, quãng đường vận chuyển hàng hóa tính từ Hà Nội lên Hà Giang lại khó khăn và xa hơn. Do đó, việc giảm phí hạ tầng là cần thiết nhằm tạo lợi thế, thu hút các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Thanh Thủy.