Thực tiễn tại Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng cho thấy, chuyển đổi số đã và đang tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng thời, cũng đặt ra những bài toán cần sớm có lời giải để chuyển đổi số nhanh, bền vững.
Giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Hòa, tổ 17, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ:
“Trước đây, khi xin cấp giấy phép xây dựng nhà, tôi phải ôm theo cả đống giấy tờ liên quan để các cơ quan chức năng thẩm tra, thẩm định hàng tháng trời mới được cấp phép. Còn bây giờ, nhờ chuyển đổi số, gia đình tôi vừa rồi xin giấy phép xây dựng nhà cho con trai, chỉ cần ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến, đăng ký trả kết quả qua bưu điện, đúng thời gian quy định, có người đến tận nhà trao giấy phép xây dựng”.
Nhờ chuyển đổi số, gia đình tôi vừa rồi xin giấy phép xây dựng nhà cho con trai, chỉ cần ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến, đăng ký trả kết quả qua bưu điện, đúng thời gian quy định, có người đến tận nhà trao giấy phép xây dựng.
Ông NGUYỄN VĂN HÒA, tổ 17, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên)
Thời điểm hiện tại, hầu hết công việc của người dân, doanh nghiệp đều được thành phố Thái Nguyên giải quyết trên môi trường số với 98% số thủ tục hành chính thực hiện đúng thời gian quy định.
Việc quản lý xã hội trên địa bàn cũng hiệu quả hơn khi hệ thống 388 camera giám sát trật tự đô thị, giao thông được lắp đặt trên hầu hết các tuyến đường, nút giao, các cửa ngõ ra vào thành phố.
Lực lượng chức năng giám sát 24 giờ trong ngày, thực hiện phạt nguội vi phạm an toàn giao thông, cho nên ý thức của người dân được nâng lên, tai nạn giao thông giảm hẳn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết, chuyển đổi số giúp người dân, doanh nghiệp không phải đi lại, chi phí tốn kém; tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Việc chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội cũng trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn hẳn.
Đến nay, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh ở Thái Nguyên đều thực hiện tiếp đón người bệnh, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID; tạo tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội.
Việc tương tác giữa người dân với chính quyền, sở, ngành của tỉnh qua ứng dụng C-ThaiNguyen trở nên thường xuyên, giúp quản lý xã hội tốt hơn. Chuyển đổi số đã phát triển sâu, rộng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại,... trên địa bàn.
Còn tại tỉnh Bắc Kạn, chuyển đổi số cũng từng bước “len lỏi” đến các xã vùng cao. Hợp tác xã Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông là một trong những đơn vị kinh tế tập thể được tỉnh hỗ trợ chuyển đổi số.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Lý Thị Quyên, đơn vị đã đổi mới, sử dụng các nền tảng xã hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng.
Năm 2020, Hợp tác xã xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm và tư vấn bán hàng..., thu hút ngày càng nhiều khách hàng tìm hiểu, đặt mua sản phẩm.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 72.400 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử; hơn 79.400 hộ được đào tạo kỹ năng số; hơn 790 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Năm 2022, Bắc Kạn đã lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan và Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành đưa sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử thế giới Alibaba.
Chuyển đổi số cũng tạo “làn gió” mới cho pha.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Tô Thị Trang cho biết, Sở đã triển khai Đề án số hóa du lịch tỉnh Cao Bằng, tích cực triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Đi vào hoạt động từ tháng 4/2023, đến nay, Cổng Du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng đã thu hút hơn 2,4 triệu lượt truy cập, góp phần quảng bá cảnh đẹp, điểm đến du lịch của tỉnh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh Cao Bằng trên điện thoại thông minh với các tiện ích tra cứu bản đồ, cung cấp thông tin về dịch vụ khách sạn, nhà hàng, điểm đến đã tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu và dễ dàng sử dụng các dịch vụ tại địa phương.
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Để chỉ đạo, thống nhất nhận thức, hành động, giúp công cuộc chuyển đổi số được vận hành thông suốt, lan tỏa sâu rộng trong xã hội, cả ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đều ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số rất cụ thể.
Đồng thời, ba tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả ba trụ cột.
Năm 2020, Thái Nguyên tiên phong cả nước khi ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01-NQ/TU). Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 8 toàn quốc về chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa cho hay, tỉnh đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả ba cấp để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tổng doanh thu kinh tế số trong sáu tháng năm 2023 khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 340 nghìn tỷ đồng, từ ngành sản xuất thiết bị điện ước đạt 17 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Kạn vừa qua cũng thành lập 108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với hơn 1.000 thành viên; gần 1.300 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với hơn 6.000 thành viên.
Các thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện các kỹ năng: Sử dụng dịch vụ công, mua sắm, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng các nền tảng số khác.
Ngày 1/7 vừa qua, tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử; thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền xã và người dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS, mạng xã hội Zalo,...
Tại tỉnh Cao Bằng, việc thực hiện tốt Đề án 06 - Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã giúp tạo lập kho dữ liệu dân cư khá đầy đủ, chính xác.
Các xóm đã thành lập gần 1.500 Tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến.
Việc tạo lập, phát triển dữ liệu bổ sung thông tin vào kho dữ liệu dùng chung đang được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023,…
Mặc dù vậy, công cuộc chuyển đổi số của các tỉnh miền núi đang vấp phải những khó khăn rất lớn. Kinh phí dành cho các nhiệm vụ chuyển đổi số rất hạn chế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của một số đơn vị chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là ở cấp xã.
Các hệ thống dữ liệu không được kết nối đồng bộ, chưa có tính đối soát để kiểm chứng dữ liệu. Việc chia sẻ và khai thác sử dụng các dịch vụ từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Điều này dẫn tới chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các tỉnh vẫn khá thấp hoặc thiếu bền vững. Đơn cử như Bắc Kạn, dù năm 2022, chỉ số DTI của tỉnh tăng hơn 73 điểm so với năm 2021, nhưng tỉnh vẫn xếp cuối toàn quốc.
Đâu đó, vẫn còn một số lãnh đạo ngành, địa phương cho rằng nhiệm vụ chuyển đổi số là “việc nhà người ta”, chỉ hô hào, chỉ đạo chung chung mà chưa sát sao thực hiện các nội dung, kế hoạch chuyển đổi số.
Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và yếu, nhiều nơi đến nay vẫn chưa bố trí được vị trí công chức công nghệ thông tin làm nhiệm vụ tham mưu cho địa phương về chuyển đổi số.
Để khắc phục tình trạng này, các tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số phù hợp điều kiện thực tế địa phương, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất.