Vấn đề này cũng được đưa ra để thảo luận tại Diễn đàn “Kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 10/7, tại Hà Nội.
Trăn trở kết nối thị trường, chuyển giao cho nông dân
Phát biểu tại diễn đàn, GS, TS, Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong 20 năm qua, Viện đã phát triển, chuyển giao nhiều giống cây trồng. Trong đó có 106 giống được gắn với các chương trình kinh tế, xã hội của Nhà nước. Các giống mới góp phần đẩy nhanh chất lượng, năng suất sản phẩm. Đơn cử như giống lúa, trước năm 2000, đều có nguồn gốc từ IRRI.
Song sau đó, phần lớn giống lúa Việt Nam đều được nội địa hóa, năng suất bình quân 10 tấn/ha. Năng suất, chất lượng cải thiện nên giá lúa xuất khẩu tăng từ khoảng 300 USD lên hơn 600 USD/tấn. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết ông và đơn vị suy nghĩ, hành động nhiều để thúc đẩy hơn quá trình kết nối thị trường, chuyển giao cho nông dân.
Trước kia, công việc này phụ thuộc các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội. Gần đây, Viện trực tiếp liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với Viện.
GS, TS, Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn. |
Viện cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu. 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu.
Chia sẻ tại Diễn đàn Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Công Tiệp cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là đơn vị đứng đầu trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, với phương châm vừa đào tạo, vừa nghiên cứu. Bên cạnh việc đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, Học viện tăng cường các hoạt động nghiên cứu với phương châm nghiên cứu cái thị trường cần.
Trong 10 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 53 sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ; 163 sản phẩm có tính tiềm năng có thể thương mại hóa; công bố gần 3.000 bài báo khoa học công nghệ trên các trang tạp chí trên thế giới.
Để có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Nông nghiệp tăng cường hình thức xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu các dự án nhóm 1 để hoàn thiện công nghệ có thể phối hợp với các HTX; doanh nghiệp, người sản xuất.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước, như đối tác đến từ Hàn Quốc để phối kết hợp nghiên cứu giống khoai tây; Công ty giống gia súc Hà Nội để nhập khẩu bò giống 3B…
“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các HTX, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng Học viện để những đề tài nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản", TS Nguyễn Công Tiệp mời gọi.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tại Diễn đàn “Kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân". |
Hợp tác công-tư kéo gần khoảng cách các dự án khoa học đến với thực tiễn
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) khẳng định Hợp tác công-tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường.
Mở rộng góc nhìn về hợp tác công-tư trong nông nghiệp, bà Liên thông tin, ở các nước đang phát triển của châu Á, trung bình doanh nghiệp đầu tư vốn từ 50-70%, trong khi Nhà nước đầu tư khoảng 30-50%. Với xu thế này, doanh nghiệp Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.
Bà Trần Kim Liên nhấn mạnh: “Doanh nghiệp kỳ vọng khối tư nhân sẽ có nguồn thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Chúng tôi muốn đi chặng đường dài hơi, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam”.
Theo đó, bà kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn các ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.
Bộ trưởng lưu ý các viện, trường, các nhà khoa học khi đã có được những sản phẩm khoa học tốt cần phải quan tâm đến yếu tố truyền thông để kéo gần khoảng cách giữa các đề tài khoa học với ứng dụng vào thực tiễn. |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình với kiến nghị của Vinaseed và cho rằng, cần minh bạch hóa các dự án khoa học công nghệ của Bộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu sắc hơn.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp lưu ý các nhà khoa học về “tư tưởng nghĩ mình làm vì đam mê, mọi người cũng làm vì đam mê”. Bộ trưởng lưu ý các viện, trường, các nhà khoa học khi đã có được những sản phẩm khoa học tốt cần phải quan tâm đến yếu tố truyền thông để kéo gần khoảng cách giữa các đề tài khoa học với ứng dụng vào thực tiễn.
“Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhấn mạnh mục đích chính của diễn đàn là kết nối: Kết nối các doanh nghiệp với các viện, trường; các nhà khoa học với doanh nhân để cùng hợp tác phát triển, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Thế giới này bao la lắm, trong phòng họp hôm nay, nhiều người có lẽ mới lần đầu gặp nhau. Không cần sở hữu trí tuệ, nguồn lực Nhà nước, hãy “đánh trống, khua chiêng” lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động”.
Khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
Để nhấn mạnh hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới toàn bộ Diễn đàn bức ảnh do đích thân ông chụp một câu châm ngôn tại một viện nghiên cứu ở Bỉ: “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”. Ông cũng dẫn chứng slogan của GS,TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam: “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó” và nhấn mạnh: "Điều quan trọng không phải nghĩ những điều mình đang làm là tốt nhất mà phải luôn đặt câu hỏi: Có cách nào khác làm tốt hơn không? Nếu chúng ta nghĩ việc đó không khó thì có thể làm được. Nhưng nếu nghĩ nó khó thì vĩnh viễn không bao giờ làm được".
Ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. |
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học được tổ chức, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đại biểu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp với 8 chủ đề: trồng trọt-bảo vệ thực vật; chăn nuôi-thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi-phòng chống thiên tai; cơ điện-công nghệ sau thu hoạch; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Khối các Trường Đại học, Cao đẳng.