Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Mặc dù quy mô GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu so với cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thu nhập trung bình của người dân vẫn còn ở mức thấp..., điều này đòi hỏi thành phố phải tìm kiếm các giải pháp, động lực và không gian phát triển kinh tế mới.
Khách hàng tham quan không gian triển lãm tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất. (Ảnh ANH THẾ)
Khách hàng tham quan không gian triển lãm tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất. (Ảnh ANH THẾ)

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Thời gian qua, thành phố đã ban hành các chương trình, đề án liên quan để triển khai và phát triển các mô hình kinh tế mới, điển hình là Ðề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Nội dung cơ bản của đề án này là tập trung chuyển đổi theo hướng "xanh" và "số" trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Phạm Bình An, thành phố đang xây dựng hệ thống giải pháp, chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, tiêu dùng bền vững, trong đó doanh nghiệp là trung tâm trong việc thực hiện chuyển đổi. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố đã mở ra nhiều cơ hội và động lực cho hành trình chuyển đổi số-xanh.

Nhưng để bảo đảm tốc độ và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi, một số hạn chế và bất cập cần được nhìn nhận và giải quyết. Cụ thể, chính sách cho chuyển đổi xanh và số còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ, cơ chế thực thi chưa hiệu quả, còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, thiếu kỹ năng số, kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyên môn sâu. Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng năng lượng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình kinh tế mới.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về các mô hình kinh tế mới còn hạn chế, chưa thật sự sẵn sàng thay đổi và thích ứng... Các chỉ số tổng hợp về phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh-số của thành phố còn hạn chế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp cần phải quan tâm; trong đó, sự phát triển đồng thời cả kinh tế số lẫn kinh tế xanh được coi là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi, Nhà nước nên sớm có khung pháp lý vững chắc, làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi.

Ðồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Ðể thúc đẩy chuyển đổi kép, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá; khuyến khích đầu tư mạnh hơn cho ứng dụng khoa học-công nghệ, nghiên cứu và phát triển; định nghĩa rõ ràng các khái niệm liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để có cơ sở thực thi, tránh mập mờ hay chồng chéo. Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng được hệ sinh thái xanh-số-đổi mới sáng tạo với cơ sở dữ liệu lớn được chia sẻ rộng rãi; có sự liên kết giữa các chủ thể.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: Chính phủ nhiều nước ngày càng quan tâm và ban hành nhiều quy định liên quan phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội; trong đó, các chiến lược trong Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU) là một thí dụ điển hình. Nhiều quốc gia hiện đã chuyển đổi và ứng dụng các mô hình kinh doanh mới. Chẳng hạn, ở Ðức, mô hình kinh tế mới được phối hợp và thực hiện bởi chính phủ, nhà làm luật, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực; các bên liên quan cùng tham gia xây dựng các ý tưởng về chuyển đổi xanh một cách sâu sắc, mạnh mẽ và minh bạch.

Ông Jean-Jacques Bouflet khuyến nghị: Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện; trong đó, các trụ cột chính cần tập trung là khung khổ pháp luật, thực hiện các dự án thí điểm, mở rộng các nguồn tài chính xanh.