Thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia

Thời gian qua, hệ thống các chương trình tín dụng đang triển khai của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng này cộng hưởng cùng chính sách tín dụng chuyên biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, là lực đẩy giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Một buổi giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Báo cáo của NHCSXH cho thấy, một trong những động lực thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua là việc NHCSXH đã tham mưu Ban Bí thư và Chính phủ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Từ đó, cùng với sự tham gia mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đã tăng 26.794 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến nay đạt hơn 30.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3% tổng nguồn vốn. Tính chung tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến hết năm 2022 đạt hơn 296.900 tỷ đồng, tăng 63.387 tỷ đồng (tăng 27,14%) so năm 2020.

Đặc biệt, NHCSXH đã tích cực phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách tín dụng phù hợp yêu cầu thực tiễn đối với hộ mới thoát nghèo; phát triển nhà ở xã hội; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH nhằm hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; nâng mức cho vay học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS,…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, còn có nguồn vốn riêng theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,...

Trên cơ sở này, năm 2022, NHCSXH đã xây dựng Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với tổng khối lượng phát hành là 20.400 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, NHCSXH đã phát hành được 17.900 tỷ đồng, hoàn thành 87,7% kế hoạch, trong đó tạo nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 16.500 tỷ đồng trong số 19.000 tỷ đồng, hoàn thành 86,8% kế hoạch; đáp ứng đủ nguồn vốn để giải ngân các chương trình tín dụng.

Cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ NHCSXH, vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% số xã, phường, thị trấn trên cả nước với tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2022 đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 25,3% so với ngày 31/12/2020, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 12%, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó dư nợ cho vay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 101.207 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ tại NHCSXH, với hơn 2,1 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ đối với khách hàng là hộ dân tộc thiểu số là 70.157 tỷ đồng, với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,8%/tổng dư nợ tại NHCSXH; dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt hơn 49 triệu đồng/bình quân chung là 43,2 triệu đồng.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay đạt 254.821 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ của NHCSXH. Trong khi đó, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 122.508 tỷ đồng, chiếm 43,2% tổng dư nợ, với hơn 2,9 triệu hộ đang còn dư nợ; doanh số cho vay trong hai năm đạt 69.503 tỷ đồng với gần 1,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn.

Đặc biệt, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt gần 30.907 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng dư nợ, với hơn 593 nghìn hộ đang còn dư nợ; doanh số cho vay đạt 10.790 tỷ đồng với hơn 215 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn.

Tuy nhiên, việc góp phần triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia của NHCSXH vẫn còn hạn chế do nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn dành cho các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP chưa phù hợp nhu cầu vay vốn thực tế dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao. Một số chương trình tín dụng có mức cho vay thấp hơn so nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn,…

Đối với chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, phần lớn các địa phương chưa hình thành dự án đầu tư cụ thể, chưa có danh sách đối tượng thụ hưởng ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng dược liệu quý. Do đó, tỷ lệ giải ngân các chương trình cho vay còn thấp.

Vì vậy, để các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò trụ cột thúc đẩy các Chương trình mục tiêu quốc gia cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030,... Trong đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Với NHCSXH, bên cạnh việc phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo cũng cần chủ động tham mưu, làm việc với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hằng năm, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng, miền, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, bảo đảm khả năng thanh khoản; bố trí vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 để tiếp tục thực hiện các chương trình;…