Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp

NDO - Ngày 5/10, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định và Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững”. Đây là nỗ lực chung nhằm thúc đẩy bình đẳng giới cho sự phát triển bền vững của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Với tinh thần “Bình đẳng giới hướng tới lâm nghiệp bền vững”, hội nghị nhằm tăng cường đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và các thực hành tốt về bình đẳng giới trong ngành Lâm nghiệp và chế biến gỗ tại Việt Nam.

Thông qua sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau, các khuyến nghị về giới trong ngành Lâm nghiệp và chế biến gỗ sẽ được xây dựng, từ đó truyền cảm hứng để hành động và hướng dẫn cải thiện chính sách ở cấp cá nhân, tổ chức, địa phương và quốc gia.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng đang tích cực xây dựng và triển khai rất nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, trong đó có bình đẳng giới.

Thực tế cho thấy, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở không ít địa phương. Thậm chí, có nơi còn tồn tại những quan niệm, hủ tục và nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp ảnh 1

Các cán bộ nữ trong ngành lâm nghiệp chia sẻ niềm đam mê công việc tại hội nghị.

Ngay cả trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành, cũng luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng phụ nữ.

Ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng phòng hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, lâm nghiệp không chỉ giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng xanh của quốc gia, cung cấp việc làm và tạo thu nhập cho các cộng đồng địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế của các thế hệ trong tương lai.

Ông Santiago Alonso Rodriguez đánh giá cao những nỗ lực xuất sắc trong việc thu hẹp khoảng cách giới. “Chúng ta cần sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ, nhưng đôi khi tiềm năng này chưa được khai thác đầy đủ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhiều ngành và quốc gia khác. Vì vậy, còn nhiều công việc cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau”.

Chúng ta cần sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ, nhưng đôi khi tiềm năng này chưa được khai thác đầy đủ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhiều ngành và quốc gia khác. Vì vậy, còn nhiều công việc cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau.

Trưởng phòng hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam Santiago Alonso Rodriguez

Do vậy, diễn đàn là cơ hội để tăng cường kết nối giữa các đại biểu nhằm trao đổi ý tưởng và xây dựng quan hệ với các chuyên gia khác trong ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

Thông qua diễn đàn, các vấn đề về bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp đã được các đại biểu trao đổi sôi nổi, tích cực để tìm ra những giải pháp thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và bảo đảm an toàn cho phụ nữ với phương châm “Thúc đẩy bình đẳng giới vì ngành lâm nghiệp phát triển bền vững”.

Tại hội nghị, triển lãm ảnh “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ” sẽ được trưng bày xuyên suốt sự kiện, nhằm tôn vinh vai trò và những đóng góp đa dạng của phụ nữ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đến với triển lãm, người tham dự sẽ tìm thấy những câu chuyện, góc nhìn và kinh nghiệm sống động từ hơn 10 gương mặt phụ nữ ưu tú - họ là những cá nhân đóng góp tích cực cho việc lồng ghép và thực thi bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp.