Thừa Thiên Huế quan tâm xây dựng ngoại giao kinh tế

NDO - Chiều 30/7, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã báo cáo tổng quát về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua, thông tin về công tác hợp tác quốc tế, quản lý biên giới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài,...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh đang tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với chính quyền một số địa phương liên quan đến ngoại giao văn hóa.

Công tác quản lý biên giới trong thời gian qua cơ bản ổn định, đã mở lại 2 cặp cửa khẩu chính A Đớt-Tà Vàng và Hồng Vân-Cô Tài, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Thừa Thiên Huế và các tỉnh bạn Lào.

Tổ chức giới thiệu các sản phẩm của các tổ chức là đối tác của kiều bào; phối hợp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Chương trình Trại hè năm 2022; phối hợp Trung tâm Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam triển khai hoạt động trao học bổng tài năng Odon Vallet năm 2022…

Thừa Thiên Huế quan tâm xây dựng ngoại giao kinh tế ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương báo cáo tổng quát tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời các mặt công tác ngoại vụ địa phương trên địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, điển hình như công tác vận động nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh chưa có tính chủ động cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế chưa được chặt chẽ; sản phẩm thông tin đối ngoại chưa thực sự hấp dẫn; hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông ở khu vực biên giới chưa hoàn thiện khiến hoạt động thương mại ở khu vực biên giới còn hạn chế, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa còn thấp.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương trong việc xây dựng các chiến lược quảng bá có trọng tâm, trọng điểm đối với từng địa bàn theo nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn; tạo điều kiện cho tỉnh được cập nhật kịp thời về chính sách đối ngoại và quan hệ với các nước, các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm trong quan hệ với một số nước.

Hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong việc hợp tác, xúc tiến thiết lập quan hệ với các địa phương, vùng, lãnh thổ nước ngoài, với nhiều đối tác; vận động UNESCO và các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản quần thể di tích Cố đô Huế; bố trí nguồn ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng hai bên khu vực cửa khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu vực kinh tế, xây dựng và nâng cấp các chợ biên giới nhằm nâng cao hiệu quả giao thương giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với hai tỉnh giáp biên Việt-Lào.

Thừa Thiên Huế quan tâm xây dựng ngoại giao kinh tế ảnh 2

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao bước đột phá trong bức tranh chung của Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao bước phát triển đột phá trong bức tranh phục hồi, duy trì tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của địa phương trong thời gian qua; ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác ngoại giao của Thừa Thiên Huế.

Tỉnh xác định, trọng tâm là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa các mặt an ninh đối ngoại, quốc phòng, chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Đặc biệt, ngành công nghiệp dịch vụ đã có sự phục hồi rõ rệt, hoạt động du lịch sôi động trở lại. Thừa Thiên Huế vừa bảo đảm được phục hồi phát triển kinh tế, xã hội vừa bảo đảm đóng góp ổn định cho đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đã đề ra nhằm xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, như: bảo tồn, phát huy di sản Cố đô, bản sắc văn hóa; du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin, truyền thông có tính đột phá; nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao là nền tảng.

Những trọng tâm này không chỉ cần phát triển trong nội địa mà còn cần có sự phát triển hợp tác quốc tế. Đặc biệt, ngành du lịch được quan tâm và phát huy các tiềm năng về du lịch lịch sử, sinh thái, tâm linh…

Thừa Thiên Huế quan tâm xây dựng ngoại giao kinh tế ảnh 3

Đoàn công tác Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành của Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Ngoại giao cũng cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi các tổ chức quốc tế, đối tác quốc tế như UNESCO và các đối tác song phương trong hợp tác, bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời phát huy, đưa các di sản văn hóa đó vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Bộ trưởng sẽ ủng hộ Thừa Thiên Huế tăng cường, kết nối hạ tầng với nước bạn Lào; hợp tác chặt chẽ, hữu nghị với Lào là định hướng chung hướng đến sự đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Đối với việc hỗ trợ xúc tiến của Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu địa phương cần làm việc chặt chẽ với Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) để cụ thể hóa kế hoạch xúc tiến, tổ chức các đoàn xúc tiến sang nước ngoài hoặc tổ chức hoạt động xúc tiến tại địa phương. Đặc biệt, cần ưu tiên, xác định trọng tâm về đối tác, lĩnh vực đầu tư để Bộ hỗ trợ kết nối, mời các đối tác đến địa phương làm việc cụ thể.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm đến công tác ngoại giao, xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ; xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

“Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tỉnh trong các mặt công tác, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công những mục tiêu, kế hoạch đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.