Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai và phối hợp triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm.
Hệ thống giao thông dần hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Nhiều năm qua, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, bởi đây không chỉ là tiêu chí quan trọng mà còn là đòn bẩy để tạo sự bứt phá.
Nhiều dự án giao thông quan trọng được quy hoạch, tạo sự kết nối các đô thị tại các huyện, thị xã như Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang… góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tại Phong Điền, huyện đã triển khai nâng cấp, chỉnh trang lề đường, vỉa hè và các trục đường mới liên khu vực trung tâm huyện, khu vực An Lỗ (Phong An, Phong Hiền), tạo bộ khung cho đô thị, kết nối các xã.
Đáng lưu ý, Phong Điền hiện đã được bộ, ngành liên quan quy hoạch cảng biển Điền Lộc nằm trong đô thị Điền Lộc-Điền Hải, sẽ xây dựng trong vài năm tới để tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT.
Cùng với đó, Khu công nghiệp Phong Điền được mở rộng đến các xã lân cận, góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn.
Gần đây, tỉnh đã tiếp đón nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển các dự án du lịch, dịch vụ ở vùng cát Điền Lộc, Phong Bình, Phong Chương… với diện tích hàng nghìn héc-ta.
Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền Hồ Hữu Phú cho biết, thời gian qua, Phong Điền là địa phương được tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh tuyến đường Phong Điền-Điền Lộc kết nối trung tâm huyện về vùng biển dài hơn 16 km, kinh phí hơn 600 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư các dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, huyện còn triển khai tuyến Khúc Lý-Mỹ Xuyên dài hơn 8,4 km với kinh phí hơn 77 tỷ đồng; chỉnh trang vỉa hè, lề đường Quốc lộ 1A qua trung tâm An Lỗ (Phong An, Phong Hiền) và thị trấn Phong Điền.
Ngoài ra, còn nhiều tuyến đường được thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển công, nông nghiệp, du lịch ở địa phương được huy động từ nhiều nguồn vốn.
Huyện Phú Lộc - vùng đất cực nam của Thừa Thiên Huế được mệnh danh là nơi “cát bay, cát nhảy” - từng lặng yên bên sóng biển, đến nay đã thức giấc cùng bình minh của nhịp sống thị thành.
Ông Nguyễn Minh Chiến (ngoài 80 tuổi, ở xã Lộc Vĩnh), một trong những chứng nhân của vùng đất cho biết, kể từ khi những con đường ven biển Bình An, Cảnh Dương nối ra Quốc lộ 1A tạo nên hình hài Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, đến nay đường sá thênh thanh ngang dọc.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hội tụ cùng các khu du lịch, dịch vụ, cảng biển… hình thành nên dáng dấp một khu đô thị.
Cũng từ đây, người dân vùng cát Lộc Vĩnh, Lộc Tiến…, nhất là lớp trẻ có nhiều lựa chọn, từ giã biển, ruộng vườn để bước vào nhà máy, phân xưởng… với môi trường lao động mới, có thu nhập ổn định và bớt vất vả hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn, ngoài hệ thống giao thông kết nối Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, hiện địa phương này đang đầu tư mở rộng nhiều tuyến, tạo động lực phát triển các đô thị trong vùng như: Trục đô thị La Sơn dài 2,7 km, kinh phí 152 tỷ đồng; tuyến Vành đai La Sơn dài 2,2 km, gần 38 tỷ đồng ở khu vực cửa ngõ phía bắc huyện; Quốc lộ 1A lên Vườn Quốc gia Bạch Mã và Quốc lộ 1A-Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã; đường qua trung tâm Vinh Hiền… tạo đà cho các khu vực xây dựng đô thị loại V.
Thúc đẩy kết nối giao thông liên vùng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cơ sở để định hình không gian phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, nhất là trong bối cảnh toàn tỉnh nỗ lực vươn lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, Thừa Thiên Huế phát triển cảng biển loại I gồm: Khu bến Chân Mây (đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150-200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan), phát triển các bến cảng phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ, nhất là luồng hàng hải, đê chắn sóng, ngăn cát.
Tại khu bến Thuận An (đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn), khu bến Phong Điền (đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện), tỉnh sẽ xây dựng đê chắn sóng và các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão.
Thừa Thiên Huế cũng định hướng quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối các địa phương, nhất là tuyến Huế-Đà Nẵng kết nối hai thành phố, là cơ sở để phát triển các hoạt động kinh tế:
Du lịch, dịch vụ, giải trí, thương mại, công nghiệp, logistics; phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Huế đến Đà Nẵng và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế.
Nâng cấp cửa khẩu chính Hồng Vân và cửa khẩu chính A Đớt thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở Hồng Thái thành cửa khẩu phụ; hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu với khu cụm công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản; khi có đủ điều kiện theo quy định, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, ga hàng hóa hàng không đáp ứng nhu cầu vận chuyển; mở mới các đường bay mới của các hãng hàng không nước ngoài đến sân bay quốc tế Phú Bài.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường nghiên cứu các tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa và khách du lịch để thúc đẩy sự phát triển du lịch cũng như hỗ trợ tiếp nhận, xuất, nhập khẩu hàng hóa; ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, thành tựu khoa học kỹ thuật trong phát triển hệ thống giao thông đa phương tiện thông minh, điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường; hình thành các bãi đỗ xe thông minh gắn với bãi đáp của phương tiện bay, các phương tiện vận tải đa dụng trong tương lai ở các khu đô thị trọng điểm và khu vực Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế; phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và định hướng đến năm 2065.
Theo đó, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với các xã, thị trấn hiện hữu như Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thủy, thị trấn Lăng Cô và thêm một phần mở rộng sẽ được đầu tư xây dựng trở thành đô thị Chân Mây loại III, mang nét đặc trưng đô thị công nghiệp, dịch vụ du lịch, hậu cần cảng biển, logistics... ở khu vực phía nam.
Đến thời điểm này, tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, nhiều tập đoàn mang thương hiệu quốc tế đến đầu tư, với hơn 52 dự án đã, đang chuẩn bị vào hoạt động với tổng vốn hơn 83.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 4.400 lao động...
Các chuyên gia đánh giá, các công trình giao thông nội tỉnh và quốc gia đã và đang dần hoàn thiện, góp phần tạo nên tầm vóc mới cho đô thị Thừa Thiên Huế mang nét đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, thân thiện môi trường, thông minh.