Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về công tác giảm nghèo được nâng lên; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư; các chính sách về giảm nghèo được triển khai kịp thời, đúng quy định; nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với từng nhóm đối tượng; một số mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả... góp phần ổn định xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn những hạn chế, như: tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (cả nước 2,23%), Tính đến cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 16.006 hộ, chiếm tỷ lệ 4,93%; trong đó, có 4.903 hộ không có khả năng lao động và hộ nghèo có công với cách mạng.
Khởi công nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thôn Đút 2, xã Hồng Kim (huyện A Lưới). |
Một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo.... Đặc biệt, huyện A Lưới được trung ương xác định là 1 trong 74 huyện nghèo quốc gia.
Tại lễ phát động, Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% năm 2016, giảm xuống còn 14,82% cuối năm 2020 (theo tiêu chí cũ).
Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều) toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo (chiếm 49,98%); 2.185 hộ cận nghèo (chiếm 15,55%). A Lưới phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%.
Theo ông Huỳnh Công Quảng, quan điểm chỉ đạo của huyện là: “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”. Căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là 49,98% (tương đương với 7.022 hộ nghèo), giảm xuống dưới 12,01% (tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025); tỷ lệ bình quân giảm 9,49%/năm. Riêng năm 2022 giảm 10,18%; cả giai đoạn 2022-2025 giảm 5.238 hộ tỷ lệ khoảng 37,96%.
Để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện A Lưới đã và đang triển khai việc tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cũng đã và đang được triển khai như: trồng nấm, sâm bố chính, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ...
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh chọn huyện A Lưới để tổ chức lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” với mục đích tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; thể hiện vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của không chỉ huyện A Lưới mà cả tỉnh, nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức thấp nhất, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Muốn vậy, A Lưới phải hạ dần tỷ lệ hộ nghèo, thoát ra khỏi danh sách 1 trong 74 địa phương nghèo của cả nước.
Từ thực tiễn tại huyện A Lưới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở A Lưới cần tăng cường công tác giám sát cộng đồng thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Các già làng, trưởng bản, người có uy tín phải thực sự nêu gương trong từng công việc làm cụ thể; tuyên truyền, động viên, nhắc nhở con cháu trong dòng họ, bản làng vươn lên trong cuộc sống để không thua kém với các bản, làng bên cạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định: cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở A Lưới nói riêng và cả tỉnh nói chung phải xác định tinh thần, các hộ nghèo có sức lao động phải nhất quyết thoát nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giữa các dòng họ, bản, làng để thoát nghèo bền vững.
Theo ông Thọ, cơ chế, chính sách, nguồn lực đã có, vấn đề ở đây là cách thực hiện và làm sao để thay đổi nhận thức của người dân trong giảm nghèo bền vững.
“Đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của huyện A Lưới, của toàn tỉnh sẽ mãi là nhịp cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân; tạo nên sự đoàn kết, sức mạnh, thay đổi nhận thức của bà con để vượt qua mọi khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất”, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh kỳ vọng, nói thêm.
Đồng chí Phan Ngọc Thọ cùng Hội Chữ Thập đỏ tỉnh trao tượng trưng 5 con bò giống cho 5 hộ nghèo tại huyện A Lưới. |
Tại lễ phát động, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tượng trưng 5 con bò giống cho 5 hộ nghèo tại huyện A Lưới. Đây là những hộ dân thuộc Chương trình hỗ trợ 200 con bò giống của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, được trao tận tay cho 200 hộ dân nghèo của huyện A Lưới và Nam Đông, nhằm giúp bà con có điều kiện tăng gia sản xuất, có công việc làm, thoát nghèo bền vững.
Sau lễ phát động, đồng chí Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo các huyện, thị, thành phố và các ban, ngành tiến hành khởi công xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thôn Đút 2, xã Hồng Kim (huyện A Lưới).