Thư viện tư nhân, nhịp cầu nối tri thức

Thư viện tư nhân Phạm Đức Dương (Hà Nội).
Thư viện tư nhân Phạm Đức Dương (Hà Nội).

“Thầy giáo câm” bám sát dân nhất

Ông Đoàn Duy Thành, chủ nhân Thư viện Tâm Thành (Hải Dương) chia sẻ: “Trong lúc nhiều người không có điều kiện đến trường tập trung để học tập, chúng ta cần tổ chức thư viện cho làng, cho xã. Thư viện làng, xã chính là ông “thầy câm” sát dân nhất, cung cấp kiến thức cho nhân dân thông qua sách báo...”.

Chủ nhân của những thư viện này là những nhà hảo tâm ở địa phương có điều kiện kinh tế, các thầy cô giáo, cán bộ hưu trí... yêu quý sách báo và có sưu tập sách báo phong phú. Nhiều người tự nguyện hiến đất đai, bỏ tiền riêng để xây dựng nhà thư viện như ông Đoàn Duy Thành (Hải Dương), ông Trần Văn Chín (Hà Nội), ông Bùi Đình Thăng (Hưng Yên)… để phục vụ nhân dân đến đọc, mượn sách báo; bổ sung sách báo, mua sắm thiết bị cho thư viện như ở An Giang, Tây Ninh, Hòa Bình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng gần 40 thư viện tư nhân rải đều ở ba miền bắc, trung, tam có phục vụ cộng đồng với quy mô khác nhau. Thống kê ban đầu cho thấy, khoảng 72% thư viện tư nhân có nhà, phòng riêng biệt. Những thư viện này có số đầu tư từ 200-500 triệu đồng. 28% còn lại thư viện chỉ đầu tư ở mức khiêm tốn (nhà cấp 4) hoặc đặt ngay trong gia đình chật chội, thiếu tiện nghi.

Bên cạnh việc tổ chức phục vụ đọc, mượn sách báo cho nhân dân, một số thư viện còn kết hợp tổ chức các hoạt động phong phú khác như thư viện ông Bùi Đình Thăng (Hưng Yên) thường xuyên tổ chức các chuyên đề mang thông tin thời sự - chính trị cho bà con; tổ chức các cuộc thi đọc sách, thi kể chuyện sách hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của thư viện ông Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh); biên tập và phát hành những tập sách như “Gương sáng điều hay” cho bạn đọc như ở thư viện khuyến học Cây Tùng (Nghệ An)...

Thư viện tư nhân Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long).

Tiêu biểu có những thư viện đã phát huy nguồn lực xã hội hóa hiệu quả như thư viện mang tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Rau (Phú Yên), Đặng Huỳnh (Bến Tre), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Cây Tùng (Nghệ An), Vũ Gia (Hòa Bình), Hương Cần (Phú Thọ)...

Trải qua nhiều giai đoạn, tuy còn nhiều khó khăn hạn chế nhất định, nhưng đến nay, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng nhiều nơi đã trở thành cái tên quen thuộc và là “địa chỉ đỏ” của người dân lao động, học sinh, cán bộ hưu trí... tại địa phương.

Em Phạm Hà Phương, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV cho biết: “Chúng em gọi thư viện của Giáo sư Dương (Giáo sư Phạm Đức Dương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á mở thư viện tại khu tập thể Ủy ban kế hoạch xã hội phố Kim Mã, Hà Nội) là một “sân chơi văn hóa”. Bởi đến đây, chúng em không chỉ tiếp thụ được kiến thức mà còn được Giáo sư tư vấn thông qua các chuyên đề để có thể vững tin khi lựa chọn đề tài luận văn khi tốt nghiệp ra trường. Được Giáo sư nhiệt tình chỉ dạy, bọn em vững tin lên rất nhiều”.

Còn đó những khó khăn

Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, sự đầu tư của Nhà nước cho các thư viện công chưa thật sự đáp ứng nhu cầu xã hội thì sự ra đời mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và hình thành thói quen đọc trong nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Thư viện tư nhân Đặng Huỳnh (Bến Tre).

Trung bình, mỗi thư viện tư nhân có từ 5.000 - 10.000 bản sách và 4-5 loại báo, tạp chí (tương đương một thư viện cấp huyện). Thư viện có vốn sách báo nhiều nhất là thư viện tư nhân Hải Đà (Hải Phòng) có hơn 22.000 bản sách. Nhìn chung nội dung sách báo phần lớn là sách văn học giải trí, các sách khoa học kỹ thuật phổ thông, phổ cập trong những lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, sách, truyện thiếu nhi…Cũng có thư viện chỉ vỏn vẹn 1.000 đầu sách.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân của những người thành lập thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, nhìn chung đã có sự quan tâm ủng hộ về mặt chủ trương của chính quyền, ngành văn hóa địa phương.

Ở một số nơi chính quyền địa phương đã hỗ trợ đất, mặt bằng để xây dựng nhà thư viện như thư viện Cây Tùng (Nghệ An), thư viện Đặng Huỳnh (Bến Tre). Một số nơi có hỗ trợ thù lao cho chủ nhân thư viện, đồng thời cũng là người trực tiếp phục vụ bạn đọc, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì hoạt động từ 9-10 triệu đồng/năm.

Nhiều thư viện tư nhân đã được thư viện tỉnh, huyện hướng dẫn thực hiện xử lý kỹ thuật sách báo bài bản như thư viện của gia đình ông Trương Văn Huyên (Tiền Giang), thư viện Tâm Thành (Hải Dương), phòng đọc sách Nguyễn Kim Loan (Cà Mau), thư viện Nhơn Phúc (Bình Định)...

Song bên cạnh đó còn tồn tại rất nhiều khó khăn mà hầu hết các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đang gặp phải, trong đó phải kể đến khó khăn cơ bản là cơ sở vật chất chưa được đầu tư ổn định và tương xứng với nhu cầu; nguồn tài liệu, sách báo chủ yếu do chủ nhân thư viện gom góp, chỉ một phần được xã hội hóa nên cơ cấu kho tài liệu đôi khi chưa hợp lý, nhiều nơi còn nhiều sách báo cũ.

Kinh phí mua sách báo mới chưa nhiều và chưa thường xuyên; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến mô hình hoạt động này nên chưa có sự phối hợp, đầu tư thích đáng; một số người làm trong các thư viện tư nhân chưa được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nên còn lúng túng trong khâu phục vụ...

Hướng đi sắp tới

Trong Hội nghị sơ kết, các ý kiến của các nhà quản lý cũng như các chủ cơ sở thư viện tư nhân đều nhất trí đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy hoạt động thư viện tư nhân có hiệu quả như:

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho thư viện tư nhân hoạt động như: bổ sung tài liệu, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân. Đồng thời cử cán bộ thư viện được đào tạo chuyên môn giúp đỡ người phụ trách thư viện tư nhân hoạt động thư viện theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản.

Các thư viện cần phối, kết hợp với thư viện tư nhân tổ chức các hoạt động quyên góp và luân chuyển sách báo nhằm tăng cường nguồn lực thông tin cho các thư viện tư nhân. Có thể kết nối mạng internet để trao đổi thông tin giữa thư viện công cộng và thư viện tư nhân.

Tạo cơ chế thuận lợi cho thư viện tư nhân hoạt động thông qua sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, tuyên truyền; hỗ trợ sách báo, hỗ trợ kinh phí… Khen thưởng, biểu dương kịp thời những thư viện tư nhân có nhiều thành tích hoạt động phục vụ sách báo cho cộng đồng.

Đặng Thanh Hà