Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cù lao Rùa, khi về hưu, nhà báo Mai Sông Bé đã chọn mảnh đất quê hương yên bình, êm ả này để quay về, sống an vui những tháng ngày tuổi già. Không chỉ là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lâu đời, mảnh đất Cù lao Rùa hôm nay còn được tô điểm thêm bởi nét văn hóa đọc và tình yêu đất nước, ý thức về chủ quyền biển đảo quê hương qua thư viện tư nhân cùng con đường bản đồ hết sức ý nghĩa mà ông Mai Sông Bé dành tặng quê hương.
Từ thư viện “dân lập”
Thời gian vừa qua, cuộc sống của nhà báo Mai Sông Bé gặp nhiều khó khăn. Sau khi về hưu, ông bị bệnh suy tim, đái tháo đường, mới đây nhất ông bị đột quỵ, sức khỏe giảm nhiều, đi lại phải có người hỗ trợ nhưng khi biết chúng tôi tới thăm, muốn nghe ông kể về thư viện, con đường bản đồ của mình thì ông rất háo hức. Từ xa, chúng tôi đã thấp thoáng thấy người đàn ông nhỏ bé đang chống gậy, đeo cặp kính dày cộp đứng chờ.
Bước đi chậm rãi và khó nhọc, ông Bé dẫn chúng tôi vào khu vực bàn thờ được bài trí trang nghiêm. Ở đó, ông thờ các anh hùng, nhà báo, nhà văn có công với nền báo chí, văn chương cách mạng miền nam. Tiếp chúng tôi trong không gian được bao trùm bởi cơ man những cuốn sách quý, ông Mai Sông Bé kể về những câu chuyện từ thời mở cõi, đến sự tích về vùng đất Thủ-Biên ngày ấy.
Ông Bé chia sẻ: Mình là người đam mê bất tận với con chữ. Ông biết ơn vùng đất nơi sinh ra mình, thế nên càng biết ơn các vị tiền nhân, những người có công khai phá vùng đất và văn hóa phương nam. Ông hy vọng, thông qua việc thờ phụng cũng là một cách để giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn, luôn nhớ về tiền nhân.
Nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, ngày 3/11/2017, Thư viện sách Cù lao Rùa của nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, chính thức mở cửa đón những người bạn đến thưởng trà, đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà đọc miễn phí.
Ông Mai Sông Bé kể: Ngày xưa, nơi đây là một xã nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Cho nên, sau khi học xong, đi làm, nhưng ông vẫn luôn tâm niệm phải làm một việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Sau khi về hưu, vợ chồng ông quay trở về quê hương Thạnh Hội để sống cảnh già thanh bình. Rời xa những bộn bề, lo toan, trở về với cảnh sống an nhàn nơi chôn nhau cắt rốn nhưng hằng đêm trằn trọc, không ngủ được bởi ông thấy đời sống văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc của dân cù lao còn thiếu thốn quá. Ý tưởng về việc lan tỏa văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn cho người dân càng được nung nấu trong ông.
Nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, ngày 3/11/2017, Thư viện sách Cù lao Rùa của ông chính thức mở cửa đón những người bạn đến thưởng trà, đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà đọc miễn phí. Ban đầu, ông chỉ dự kiến mở một thư viện nhỏ với khoảng 2.000 đầu sách có sẵn, nhưng việc làm của ông đã lan tỏa đến nhiều người.
Thế rồi, sau 6 năm, số sách lên đến hơn 10.000 đầu sách. Gần như toàn bộ tầng trệt, từ phòng khách của ngôi nhà rộng hơn 200m2, đến lối đi, từ nhà khách xuống bếp, cả khoảng không gian trống của nhà bếp đều đầy ắp sách. Đủ loại sách kiến thức, văn học, khảo cứu, văn học nghệ thuật, thiếu nhi… Đặc biệt có nhiều bộ sách báo được ông đóng bộ, lưu giữ cẩn thận qua nhiều năm như Báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ Chủ nhật, nhất là bộ sưu tập ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng… đến những cuốn sách có từ năm 1935 hay 1940.
Người dân vùng quê này quen gọi vợ chồng ông Mai Sông Bé là ông bà Năm. Ngày nào cũng vậy, khi trời vừa rạng sáng, ông bà Năm đã dậy mở cửa thư viện, lục đục quét dọn, sắp xếp lại sách, báo để đón người yêu sách đến đọc. Thư viện của ông trở thành điểm đến quen thuộc cho nhiều độc giả gần xa. Thống kê sổ mượn sách của ông cho thấy, tính đến giữa tháng 12/2023, thư viện đã cho hơn 9.400 lượt khách mượn hơn 12.600 đầu sách. Đây cũng là nơi để những người bạn đồng niên đến thưởng trà và điểm báo mỗi sáng.
Nhà báo Mai Sông Bé cho biết, hằng ngày có khoảng 10-12 lượt khách đến mượn sách về nhà đọc, trong đó hơn 50% là các cháu học sinh. Từ ngày khai trương thư viện đến nay, độc giả mà ông quý mến nhất có lẽ là ông Nguyễn Tấn Lâm, làm nghề bán vé số ở thành phố Dĩ An. Ông Bé cho biết, sau khi bán hết vé số, ông Lâm lại đạp xe gần 20 km đến trả sách mượn trước đó và mượn thêm sách mới. “Nhìn những trang sách đã được mở ra và gấp lại một cách chỉn chu, cẩn thận, tôi càng cảm thấy yêu thương và trân quý ảnh (ông Lâm) hơn”, ông Bé chia sẻ. Gần đây, thư viện của ông còn thường xuyên tiếp các sinh viên đến từ các trường đại học.
Thời gian qua, thư viện đã chia sẻ hơn 400 cuốn sách thiếu nhi cho Trường tiểu học Thạnh Hội và 200 cuốn sách pháp luật cho Nhà văn hóa các ấp của xã Thạnh Hội. Với các trường học ở gần, thư viện sách sẽ được luân chuyển thường xuyên theo học kỳ hoặc theo quý.
Đến “con đường bản đồ”
Về với Cù lao Rùa vào những ngày này, chúng tôi còn được ngắm cung đường bản đồ độc đáo. Con đường nhỏ băng ngang nhà ông Mai Sông Bé được tô điểm thêm bởi những tấm bản đồ cổ làm bằng chất liệu gốm sứ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây cũng là một món quà ý nghĩa mà ông Mai Sông Bé dành tặng quê hương.
Sau khi trao đổi và nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, ông đã chọn đoạn đường này để thực hiện ý tưởng của mình bởi dáng hình đoạn đường này cong cong, trông giống dải đất hình chữ S của nước Việt Nam. Đường bản đồ dài khoảng 500m, với 40 bản đồ làm bằng chất liệu gốm sứ, đặt trên khung sắt cách mặt đất khoảng 1m. Tất cả bản đồ này đều được trích ra từ quyển sách “Hoàng Sa-Trường Sa, Luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.
Về với Cù lao Rùa vào những ngày này, chúng tôi còn được ngắm cung đường bản đồ độc đáo. Con đường nhỏ băng ngang nhà ông Mai Sông Bé được tô điểm thêm bởi những tấm bản đồ cổ làm bằng chất liệu gốm sứ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây cũng là một món quà ý nghĩa mà ông Mai Sông Bé dành tặng quê hương.
Với mong muốn nó được lưu lại lâu hơn với thời gian, cho nên ông đã chọn chất liệu gốm sứ để thể hiện. Mỗi tấm bản đồ được làm bằng chất liệu gốm sứ, nung ở nhiệt độ cao nên đường nét rất sắc sảo. Ông chia sẻ, việc làm tuyến đường bản đồ gốm sứ này nhằm giáo dục cho người dân địa phương, thế hệ trẻ hiểu thêm về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.
Thời gian còn công tác, ông Mai Sông Bé đã vận động xã hội hóa nguồn kinh phí để thực hiện 3 bộ bản đồ về chủ quyền biển đảo bằng gốm sứ. 40 bản đồ ở cung đường này là bộ bản đồ gốm sứ thứ 3. Trước đó, ông đã làm một bộ, đặt ở Bảo tàng tỉnh Đồng Nai và một bộ đặt ở đảo Trường Sa Lớn. “Không chỉ người dân địa phương, nhiều người từ nơi khác đã tìm về đoạn đường này để ngắm những tấm bản đồ gốm sứ, tìm hiểu thêm về chủ quyền biển đảo Việt Nam...”, ông Mai Sông Bé chia sẻ.
Mỗi ngày đi qua cung đường ấy, vẻ đẹp của từng tấm bản đồ uốn mình cong lượn như nhắc nhở mỗi người dân luôn hướng về biển đảo quê hương bằng những việc làm thiết thực hơn, ý nghĩa hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Hội hôm nay đang xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, phấn đấu giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Cung đường ý nghĩa này góp phần tạo thêm diện mạo mới cho miền cù lao xanh tươi này.