Bên cạnh mạng lưới thư viện công cộng Nhà nước, ở một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hoạt động có hiệu quả và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Hiện nay, cả nước có gần 40 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng hoạt động với quy mô khác nhau. Trung bình mỗi thư viện có diện tích khoảng 50 m2, một số chủ nhân có điều kiện kinh tế khá nên đầu tư nhà thư viện, phòng đọc riêng và khuôn viên như: Thư viện Tâm Thành ở Hải Dương được xây dựng 500 triệu đồng, Thư viện khuyến học Hoa Cương ở Hà Tĩnh xây dựng gần 500 triệu đồng; Thư viện Ðặng Huỳnh ở Bến Tre xây dựng 250 triệu đồng; Thư viện Cây Tùng (Nghệ An) xây 150 triệu đồng; các thư viện Huỳnh Tấn Hưng ở Vĩnh Long, Vũ Gia ở Hòa Bình, Trương Văn Huyên ở Tiền Giang, Phạm Thế Cường ở TP Hồ Chí Minh... đều dành quỹ đất và xây nhà để làm thư viện, phòng đọc sách; còn lại phần lớn các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng khác được đầu tư nhà cấp bốn hoặc đặt ngay trong gia đình, nên còn chật chội, thiếu tiện nghi. Nhìn chung chủ nhân của những thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đều là những nhà hảo tâm ở địa phương có điều kiện kinh tế là các thầy cô giáo hoặc cán bộ hưu trí.... Cho dù ngành nghề, điều kiện kinh tế khác nhau, song chủ nhân của những thư viện này đều có chung một điểm là yêu quý sách báo và ở họ có một tấm lòng nhân ái với công việc thầm lặng kết nối nhịp cầu trí thức. Các ông Trần Văn Chín ở Hà Nội, Bùi Ðình Thăng ở Hưng Yên, Trương Văn Huyên ở Tiền Giang, Ðặng Văn Thành ở Bến Tre, Vũ Ðức Hiếu ở Hòa Bình, Nguyễn Quang Cương ở Hà Tĩnh, Huỳnh Tấn Hưng ở Vĩnh Long, Võ Duy Nam ở Bình Ðịnh v.v... đã tự nguyện hiến tặng đất đai, tiền của và tài sản để xây dựng thư viện với mong muốn qua sách báo phổ biến tri thức cho bà con ở quê hương, mong muốn họ đọc và làm theo sách báo, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mỗi thư viện thường có từ 5 nghìn đến 10 nghìn bản sách, từ 4 đến 5 loại báo, tạp chí (tương đương với một thư viện công cộng cấp huyện). Thư viện có vốn sách báo nhiều nhất là Thư viện Hải Ðà (TP Hải Phòng), có hơn 22.000 bản sách, Thư viện Khuyến học Hoa Cương (Hà Tĩnh) gần 20.000 cuốn sách... Nội dung sách báo của thư viện phần lớn là sách văn học, khoa học kỹ thuật, nông - lâm - ngư nghiệp, sách chăm sóc sức khỏe cho người già, sách thiếu nhi, sách luyện thi đại học, các sách nghiên cứu... phù hợp đối tượng bạn đọc vùng nông thôn nước ta.
Các thư viện tư nhân đều nhận được sự ủng hộ về chủ trương của chính quyền địa phương. Một số nơi còn hỗ trợ đất, mặt bằng để xây dựng thư viện, hỗ trợ thù lao cho chủ nhân là người trực tiếp phục vụ bạn đọc, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí. Ngành văn hóa ở T.Ư và địa phương cũng vận dụng các quy định, chính sách xã hội hóa của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa để tạo điều kiện cho mô hình này phát triển. Bên cạnh đó các thư viện tư nhân còn nhận được sự quan tâm của xã hội ủng hộ sách báo như: Thư viện tư nhân mang tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Rau - Phú Yên nhận được hơn một nghìn cuốn sách ủng hộ; Thư viện tư nhân Huỳnh Tấn Hưng - Vĩnh Long nhận được hàng trăm cuốn sách có giá trị và hơn 20 triệu tiền mặt từ Công ty thép POMINA, Thư viện tư nhân xã Hương Cần - Phú Thọ, Thư viện tư nhân Vũ Gia - Hòa Bình v.v... cũng nhận được nhiều sách báo; Tại Hội nghị sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và triển khai Nghị định số 02/2009/NÐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của mô hình thư viện này do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, một số nhà sách đã trao tặng quà bằng sách trị giá gần 70 triệu cho các thư viện tư nhân tiêu biểu. Tại Hội nghị sơ kết các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề cụ thể liên quan hoạt động của mô hình này, đặc biệt quan tâm đến trình độ văn hóa và chuyên môn của chủ nhân và những người làm việc trong thư viện để phục vụ bạn đọc có hiệu quả. Ðã có trường hợp kho của thư viện lên đến gần hai nghìn bản sách mà chủ nhân thư viện mới chỉ có trình độ văn hóa lớp 9/12 trong khi đó theo quy định với vốn tài liệu đó chủ nhân của nó phải có bằng trung cấp thư viện.
Thư viện tư nhân đang có những bước phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu của bạn đọc, là một trong những mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện cấp cơ sở, mô hình xã hội hóa hoạt động thư viện, đem lại hiệu qủa thiết thực cho cộng đồng, cần nhân rộng mô hình hoạt động này trong cả nước. Ðể thư viện tư nhân hoạt động có hiệu quả cần có chính sách và cơ chế phù hợp phát huy những ưu thế của thư viện tư nhân, đóng góp những thành quả vào sự nghiệp thư viện. Nghị định số 2 của Chính phủ vừa được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để thư viện tư nhân phát triển. Mặt khác tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ thư viện cho các thư viện tư nhân; các thư viện thường xuyên tổ chức các hoạt động quyên góp và luân chuyển sách báo để tăng cường tư liệu, khen thưởng, biểu dương kịp thời những thư viện tư nhân có nhiều thành tích hoạt động phục vụ cộng đồng.
Nguyễn Thu