Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn Việt Nam về phía Hàn Quốc có Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Oh Yong Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Yong Sam, Cục trưởng Lễ tân (Bộ Ngoại giao) Seo Won Sam, Cục trưởng Cục ASEAN (Bộ Ngoại giao) Kim Dong Bae; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ, một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra ngay tại sân bay Seongnam. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân được mời đứng lên bục danh dự; Quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam; Thủ tướng duyệt Đội danh dự.
Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Lòng tin chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố; hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục đi vào chiều sâu; hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân hai nước không ngừng được mở rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Hàn Quốc
Hàn Quốc có mối quan hệ rất sâu rộng với Việt Nam, là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp và du lịch, thứ hai về hợp tác phát triển và thứ ba về hợp tác thương mại và lao động. Hàn Quốc cũng là nước có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập. Ngược lại, cũng có rất nhiều người Hàn Quốc hiện đang sinh sống, lao động và học tập tại Việt Nam. Cộng đồng hai nước cơ bản đều hội nhập tốt, có nhiều đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội của sở tại và đóng vai trò cầu nối hữu nghị cho quan hệ hai nước.
Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Quan chức cấp cao Hàn Quốc đón Thủ tướng và Phu nhân tại chân cầu thang máy bay. |
Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có hơn 30 hoạt động. Ngoài các chương trình chính thức với Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại 3 Diễn đàn, gồm: Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam-Hàn Quốc; và 2 Tọa đàm, gồm: Tọa đàm với lãnh đạo các Tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ sẽ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc; thăm gia đình đa văn hóa Việt-Hàn, phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul và thăm Nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quân sự Seongnam (Seoul). |
Có thể thấy, hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này rất toàn diện, bao gồm cả các hoạt động với chính giới, với giới kinh tế-tài chính và với các tổ chức hữu nghị nhân dân, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Hơn một nửa các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Hợp tác kinh tế vẫn luôn là điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD; đối tác lớn trong nhóm đầu về kim ngạch thương mại, năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD và là đối tác lớn về hợp tác phát triển (ODA), du lịch và lao động.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia phát triển, có rất nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thông qua các hoạt động đa dạng với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này, Việt Nam kỳ vọng hai bên sẽ nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như: bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước. Qua đó, hai bên có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, và góp phần thực hiện “Tầm nhìn chiến lược” về phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Việt Nam.