Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Nhà máy luyện kim phi cốc đã dừng hoạt động

NDO - Chiều 16/7, trong chương trình công tác tại Bắc Kạn, trên đường về Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) do Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) làm chủ đầu tư, đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2013 đến cuối năm 2015 thì dừng sản xuất...
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới).
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới).

Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 490,5 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014. Do tổng giá trị đầu tư nhà máy rất lớn, phần lớn từ nguồn vốn vay, vốn huy động, cho nên nhà máy dừng hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình tài chính của Matexim…

Ngay tại nhà máy, sau khi đi thị sát khu sản xuất bị bỏ hoang nhiều năm nay, dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc bị xuống cấp nghiêm trọng, Thủ tướng có cuộc họp nhanh với đại diện một số bộ, ngành, tỉnh Bắc Kạn và chủ đầu tư.

Cho ý kiến chỉ đạo về hướng xử lý nhà máy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đánh giá lại quá trình đầu tư, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai; hướng giải quyết sắp tới như thế nào? Nếu tái cơ cấu thì xử lý như thế nào? Cân nhắc giữa phương pháp tái cơ cấu và không tái cơ cấu thì phương án nào hơn? Bộ Công thương có trách nhiệm đánh giá lại, xử lý theo thẩm quyền, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ.

Trong quá trình xử lý thì phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Kạn; phối hợp với các cổ đông, cố gắng trong quý III này xử lý, đặt lợi ích chung, không để lãng phí vì nguồn quặng dồi dào, sản phẩm có, nhu cầu có. Thủ tướng cũng tìm hiểu việc giải quyết việc làm, chế độ cho người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Nhà máy luyện kim phi cốc đã dừng hoạt động ảnh 1

Thủ tướng cho rằng, cần có nhà máy để sản xuất sản phẩm này, trong khi chúng ta cần thép, gang mà lại để không. Để khôi phục hoạt động thì câu hỏi đặt ra là cần giải pháp gì, tốn bao tiền, ai là người bỏ vốn, vận dụng cơ chế nào, cách tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Thủ tướng yêu cầu cố gắng tháng 8 hoàn thành việc đánh giá và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, tinh thần để nhà máy sống lại, góp phần thúc đẩy hoạt động khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, đáp ứng nhu cầu gang thép, khôi phục công ăn việc làm.

Theo Thủ tướng, không được để kéo dài tình trạng lãng phí tiền vốn, nguồn lực của Nhà nước như thế này. Trong quá trình này, Bộ Công thương cần phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường để khai thác hiệu quả tài nguyên đất nước, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phối hợp với ngân hàng để nỗ lực xử lý vấn đề vốn.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo giải trình, đề xuất phương án xử lý cụ thể cấp có thẩm quyền. Theo Thủ tướng, việc không cạnh tranh được do chi phí đầu tư cao, do đó cần phải cơ cấu lại, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, cách quản lý, cách khai thác, giảm chi phí đầu vào, để sản phẩm có giá thành cạnh tranh.