Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo tại đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 15/7, trong chuyến công tác tại Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng thuộc huyện Phụng Hiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Khu Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng - nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, được mệnh danh là "lá phổi xanh" của đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là tài sản quý của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tiềm năng rất lớn tuy nhiên thời gian qua chưa được đánh giá đầy đủ để có cách quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả.

Trước đề xuất của tỉnh Hậu Giang quy hoạch nơi đây thành Khu du lịch sinh thái quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh chuyến khảo sát hôm nay để có thêm thông tin, đánh giá trên cơ sở thực tiễn, từ đó nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm sinh thái và bảo vệ rừng đặc dụng.

Sau khi nghe báo cáo và khảo sát thực địa, Thủ tướng đề nghị tỉnh tìm nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để phát huy, khai thác các yếu tố tự nhiên của Khu bảo tồn, nhằm phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực theo quy định của pháp luật. Chính quyền các cấp vận động nhân dân tham gia làm tốt công tác bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm.

Thủ tướng lưu ý việc phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn nguyên vẹn vùng lõi Khu bảo tồn theo đúng quy định, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên và hệ sinh thái nơi đây.

Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800ha, gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái; là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ, 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm, đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang...

Lung Ngọc Hoàng là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (huyện Long Mỹ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Nhật Bắc)

Di tích Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là địa chỉ thiêng liêng, nơi ghi dấu tình cảm sâu nặng của nhân dân Hậu Giang nói riêng và miền nam nói chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.

Thủ tướng và đoàn công tác cũng tham quan phòng trưng bày một số hình ảnh và kỷ vật về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tình cảm sâu nặng của Người với nhân dân miền nam và lòng biết ơn vô hạn của nhân dân miền nam với Người.

Thủ tướng và các thành viên trong đoàn nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người; tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.