Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

NDO - Sáng 1/9, tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn-Móng Cái tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức. Công trình giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ đồng hồ, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Lễ cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công thương; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài là 176km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176km/1046km). Quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm, vừa xây dựng đề xuất); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo quy định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành.

Các vấn đề kỹ thuật khác như vấn đề độ cao cầu, tĩnh không thông thủy cầu cũng mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi; vấn đề khai thác của nhà đầu tư thế nào khi địa phương cùng đầu tư; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vấn đề thu phí, sụt lún...

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật,... để rồi ngày hôm nay chúng ta khánh thành và thông xe toàn tuyến kết nối 3 cửa khẩu Quốc tế lớn nhất khu vực miền Bắc từ Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái và Lào Cai-Hà Nội-Lạng Sơn (3 cửa khẩu: Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái ảnh 2
Các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến cao tốc.

Tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam (tổng cộng 571,5km gồm: Hà Nội-Lào Cai 265km; Hà Nội-Hải Phòng 105,5km; Hải Phòng-Hạ Long 25 km; Hạ Long-Móng Cái 176km). Đây là tuyến cao tốc liên vùng dài nhất, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng có những ý nghĩa quan trọng như: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông. Tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương. Lấy nguồn vốn nhà nước làm vốn mồi, dẫn dắt các nguồn vốn khác. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nơi có đường cao tốc đi qua.

Phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua; tái cơ cấu đầu tư công. Góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, nhân viên liên quan đến công trình, dự án đường bộ cao tốc và của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh - cơ quan nhà nước có thẩm quyền; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân nơi có đường cao tốc đi qua. Góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế ở khu vực biên giới. Kết nối vùng trong ba cực tăng trưởng, phá thế độc đạo của tỉnh Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng thì tự nó sẽ phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đầu tư, thiết kế, giám sát, nhà thầu, có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia xây dựng đường cao tốc.

Thủ tướng nêu rõ một số bài học qua việc đầu tư công trình này:

Nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh của lòng dân. Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng, phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xây dựng đường cao tốc và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực. Địa phương phải vươn lên, không trông chờ ỷ lại, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước; đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương. Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế (với tuyến cao tốc của Quảng Ninh, các doanh nghiệp đã đóng góp 64,5% tổng vốn đầu tư, Quảng Ninh chỉ có 35,5%). Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Các nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, kiên quyết thực hiện nhất là khi gặp khó khăn, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách.

Tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng, nhất là chăm lo, bảo đảm cuộc sống của nhân dân ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Đầu tư hợp tác công tư bước đầu có giá thành rẻ hơn so đầu tư của Nhà nước; các cơ quan chức năng cần tổng kết việc này. Các tỉnh cùng chung tay vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đoàn kết để thực hiện công tác này.

Về công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để nghiệm thu quản lý tuyến cao tốc 176km theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để vận dụng hiệu quả, tránh thất thoát. Các địa phương phải tiếp tục phối hợp với nhau.

Tuyên bố chính thức thông tuyến cao tốc này, Thủ tướng khẳng định công trình góp phần quan trọng vào tăng trưởng nhanh, xanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái ảnh 3
Các đại biểu dự lễ khánh thành.

Dự án Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có tổng chiều dài 80,23km với tổng vốn đầu tư của dự án hơn 14.000 tỷ đồng được thi công thần tốc trong thời gian hơn 2 năm sau khi giải phóng mặt bằng xong.

Dự án bao gồm 2 dự án độc lập, trong đó: tuyến Vân Đồn-Tiên Yên dài 16km có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư; tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 64km có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ là 490 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là 8.623 tỷ đồng), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư. Riêng giải phóng mặt bằng được tính thành một dự án riêng với tổng kinh phí 1.455 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Với điểm đầu tại Km 96+00 nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối tại Km176+00, đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (thành phố Móng Cái), có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25,25m và vận tốc thiết kế đạt 120km/giờ theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Đây là vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam.

Là trục giao thông xương sống của tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sẽ kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm trong tỉnh. Về mặt giao thương quốc tế, việc kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái – nơi thông thương với thị trường hơn 1 tỷ dân... Đây còn là tuyến cao tốc kết nối giữa hệ thống cảng hàng không, cảng biển, các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh… trên toàn tỉnh Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại tham quan của khách du lịch theo đường bộ, thu hút nhà đầu tư đến Quảng Ninh.

Cao tốc cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, mở ra những cơ hội phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về cảnh quan - kiến trúc, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là một trong những tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất cả nước với 35 cây cầu trên tuyến chính, tương đương tổng chiều dài hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài toàn tuyến). Trong đó, mỗi cây cầu đều được chú trọng đầu tư về kiến trúc, thẩm mỹ để tạo ra những cung đường có cảnh quan đẹp; vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa giữ nguyên hiện trạng môi trường sinh thái, môi trường xung quanh. Nổi bật nhất phải kể đến cầu Vân Tiên dài hơn 1,5km, rộng 25,5m. Đây là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh được xây dựng nơi cảnh quan biển trời hùng vĩ, lập kỷ lục mới về thi công cầu vượt biển trong thời gian 330 ngày đêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái ảnh 4

Các đại biểu dự lễ khánh thành.

Ngay khi thông xe, tuyến cao tốc này hoàn thành đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn-Hạ Long-Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với 176km; chiếm tỷ lệ 18% chiều dài cao tốc đã đưa vào sử dụng trong cả nước. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài-Cát Bi-Vân Đồn), kết nối 7 khu kinh tế với 1 cửa khẩu quốc tế.

Việc thu phí trên tuyến cao tốc này thực hiện theo phương thức thu phí kín và triển khai thu phí theo hình thức không dừng (ETC). Nhằm tạo điểm nhấn, công trình chiếu sáng trên tuyến cao tốc được đầu tư với chiều dài khoảng 110km, tạo nên tổng chiều dài chiếu sáng trên cao tốc tại tỉnh Quảng Ninh khoảng 176km. Đây cũng là đường cao tốc có hệ thống chiếu sáng được đầu tư dài nhất Việt Nam.