Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh

NDO -

Chiều 11-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực vào phát triển quan hệ hai nước; nêu rõ, Việt Nam luôn coi Anh là đối tác quan trọng, thân thiện; quan hệ thương mại song phương phát triển tốt đẹp và triển vọng còn lớn. Chuyến thăm của Bộ trưởng sẽ là cơ hội tốt để hai bên thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương. 

Bộ trưởng Elizabeth Truss bày tỏ vinh dự lần thứ ba trở lại thăm Việt Nam, cảm nhận đây là một đất nước tuyệt vời; vui mừng tham gia ký kết thỏa thuận hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA Vương quốc  Anh - Việt Nam (UKVFTA).

Bà cho rằng, đây là khởi đầu mới cho thúc đẩy hợp tác hai nước; khẳng định Anh quyết tâm chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy thương mại tự do và phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ trưởng cho rằng, hai nước có tiềm năng hợp tác về công nghệ, dược phẩm, tài chính, năng lượng điện gió, kinh tế số, dữ liệu...

Bộ trưởng bày tỏ ấn tượng phát triển kinh tế Việt Nam, cho rằng thúc đẩy thương mại tự do sẽ giúp các nước phát triển, trong đó có Việt Nam và Anh; khẳng định Anh luôn ủng hộ tự do hàng hải, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại thế giới. Từ bài học đại dịch Covid-19, Anh cho rằng thế giới đang phụ thuộc vào một số ít quốc gia về chuỗi cung ứng. Với các FTA, Anh có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hoạt động đầu tư. Anh coi Việt Nam là một đối tác hết sức tin cậy và ổn định. 

DSC_5178-1607682898223.jpg
 Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss cho rằng, Việt Nam đạt thành tựu hết sức ấn tượng trong kiềm chế đại dịch Covid-19, lại vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội.

Bà cho rằng, Việt Nam đạt thành tựu hết sức ấn tượng trong kiềm chế đại dịch Covid-19, lại vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội. Với UKVFTA, Chính phủ hai nước sẽ thúc đẩy các nỗ lực sau đàm phán. Tiếp đó là trách nhiệm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nên triển khai Hiệp định. Bà tin tưởng mạnh mẽ Hiệp định FTA song phương sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho hai nước. 

Cảm ơn ý kiến Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai nước có truyền thống hợp tác trong nhiều lĩnh vực, do đó hai nước cần sớm ký kết UKVFTA. Tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, do đó chúng ta phải đẩy mạnh kim ngạch thương mại mạnh hơn nữa chứ không dừng ở đây. Việt Nam luôn tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh. Dù chỉ là một thành viên. CPTPP nhưng Việt Nam luôn ủng hộ Anh tham gia Hiệp định này cũng như luôn ủng hộ chủ trương thương mại tự do. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Anh làm ăn thành công ở Việt Nam. 

Thủ tướng cho rằng, hai nước có tiềm năng phát triển năng lượng xanh. Anh có thể hỗ trợ Việt Nam rất tốt trong phát triển lĩnh vực quan trọng này. Thủ tướng khẳng định niềm tin của hai nước đã được thử thách qua thời gian, do đó chắc chắn quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ thời gian tới. 

Về Hội nghị COP26, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tham gia tích cực, trách nhiệm, đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Anh về Biển Đông, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

* Cùng ngày, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Theo các thỏa thuận giữa Anh và EU trong “Brexit” (Anh rời EU), Hiệp định EVFTA sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31-12. Do đó, cả Việt Nam và Anh đều đang mong đợi, khi EVFTA chấm dứt hiệu lực với Anh quốc, UKVFTA sẽ sớm có hiệu lực để tránh đứt quãng giao thương, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác vì lợi ích chung trong lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong bối cảnh Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021. Dự kiến, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. 

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Kitaoka Shinichi.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chuyến thăm này của Chủ tịch JICA góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới; bày tỏ vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nhật tiếp tục phát triển tốt đẹp. Quan hệ hai nước có sự chia sẻ, hiểu biết, thông cảm, ủng hộ lẫn nhau. Thủ tướng mong muốn quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch... Thủ tướng đánh giá cao việc Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA, vay ưu đãi song phương lớn nhất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.

DSC_5196-1607682898585.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Kitaoka Shinichi. 

Chủ tịch JICA đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà JICA phái cử lại các tình nguyện viên sang làm việc. Việt Nam đang trở thành điểm sáng mà dư luận Nhật Bản rất quan tâm. Việt Nam Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác lịch sử lâu dài và hiện nay, mối quan hệ này còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng vai trò quan trọng trong ổn định khu vực.

Chủ tịch JICA cũng chia sẻ về những mất mát và gửi lời hỏi thăm về những thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra đối với khu vực miền trung Việt Nam. Ông cho rằng, các quốc gia ASEAN có nhiều điểm tương đồng Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực ứng phó thiên tai. Do đó, các nước cần tăng cường hợp tác khu vực để giải quyết tốt thách thức này. Chủ tịch JICA bày tỏ, Nhật Bản quan tâm hỗ trợ các tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc khá đông tại Nhật Bản. Vệt Nam và Nhật Bản còn có những hợp tác sâu sắc như lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam có lực lượng lao động có tay nghề cao.

Cảm ơn ý kiến của Chủ tịch JICA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những năm qua, nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam; đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của JICA và cá nhân Chủ tịch trong việc triển khai thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam.

DSC_5211-1607682898091.jpg
Chính phủ Việt Nam mong muốn JICA tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. 

Chính phủ Việt Nam mong muốn JICA tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản quan tâm hỗ trợ công trình đường Cao tốc Vientiane - Hà Nội đi qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An). Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn sử dụng công khai, minh bạch và hiệu quả mọi nguồn vốn ODA; khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn thành công tại Việt Nam; sẵn sàng đón sự chuyển dịch của các nhà đầu tư Nhật Bản về Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông, nhất là bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng không, hàng hải, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông, thượng tôn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Thủ tướng khẳng định, việc hợp tác hai nước đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định khu vực châu Á. Thủ tướng cũng cảm ơn Nhật Bản hỗ trợ cho các thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó có việc đưa những thực tập sinh Việt Nam đã hết thời hạn làm việc trở về nước.

Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch JICA bày tỏ, là quốc gia từng chịu thiệt hại nặng nề vì chiến tranh, Nhật Bản thấu hiểu và luôn nỗ lực không thể xảy ra các tranh chấp, bất đồng. Do đó, Nhật Bản luôn khẳng định quan điểm bảo đảm tự do hàng hải và đây chính là điểm tương đồng kết nối Việt Nam và Nhật Bản; khẳng định Nhật Bản luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.