Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai công tác tài chính-ngân sách nhà nước

NDO -

Ngày 7-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (TC-NSNN) sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ TC-NSNN sáu tháng cuối năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm nay, đại dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới, gây khủng hoảng kinh tế tài chính sâu rộng trên toàn cầu; ảnh hưởng nặng nề kinh tế - xã hội (KTXH) trong nước. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải thay đổi phương thức làm việc để phù hợp tình hình bởi, ngành tài chính là huyết mạch của nền kinh tế; trong khó khăn, chúng ta càng thấy rõ vai trò quan trọng của ngành tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá (CSTK) là công cụ quan trọng nhất của kinh tế... Chính phủ, các cấp, các ngành trong cả nước đều kỳ vọng ngành tài chính đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển, để CSTK nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo động lực cho kinh tế phục hồi phát triển, tận dụng cơ hội, khống chế thành công dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc, khống chế thành công dịch bệnh, là nền tảng quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD), tăng trưởng, bảo đảm nguồn thu, giải quyết việc làm. Năm nay là năm quan trọng, đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, chúng ta không được để đổ gãy nền kinh tế.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng là nhiều địa phương bày tỏ quyết tâm không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu gấp đôi GDP. Tất cả các nước, đối tác có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam đều chưa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19, ảnh hưởng Việt Nam rất lớn. IMF đánh giá triển vọng kinh tế thế giới thời gian tới rất xấu. Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện biện pháp nới lỏng CSTK và tiền tệ chưa từng có để kích cầu, hỗ trợ người dân. Nhiều nước thay đổi luật lệ thể chế để phù hợp tình hình dịch bệnh vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thất nghiệp quá lớn. Có nước bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng.

Về tổng thể, chúng ta vẫn duy trì được những yếu tố căn bản và điểm sáng trong kinh tế xã hội. Từ tháng 6 trở đi, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã tương đối rõ nét. Mặc dù mức tăng trưởng của ta thấp nhưng là mức cao của thế giới trong bối cảnh hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam không hề giảm; an sinh xã hội (ASXH) được bảo đảm; an ninh quốc phòng an được tăng cường; Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Trong bối cảnh đó, các ngành, trong đó có ngành tài chính trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đã ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ trong hoạt động. Thời gian khó khăn vừa qua chính là thời điểm thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên, bảo đảm ba trụ cột: phòng chống dịch, duy trì kinh tế và bảo đảm ASXH là thành công lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có đóng góp quan trọng, to lớn của ngành tài chính.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần nỗ lực, trách nhiệm của ngành tài chính trong điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Chúng ta thấy, mặc dù gặp khó khăn, ngành đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ TC-NSNN rất tốt, tăng cường quản lý thu chi, tiết kiệm chi ngân sách, cấp ngân sách cho các do bị thiên tai...

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành tài chính nói riêng, toàn thể hệ thống tài chính các cấp, các ngành, địa phương nói chung, góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua khó khăn.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, khó khăn thách thức phía trước còn rất lớn vì kinh tế thế giới cần thời gian phục hồi. Trong khi đó, suy thoái nặng nề, căng thẳng thương mại các cường quốc, đầu tư thương mại sụt giảm, rủi ro thị trường tài chính tiền tệ quốc tế gia tăng mạnh...; áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu; giá dầu đang tăng mạnh; giá thị lợn vẫn ở mức cao...

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận thức rõ tình hình, nhất là thực trạng các DN đang gặp khó khăn kể cả DNNN, DN tư nhân, DN FDI, DN nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực TC-NSNN, chúng ta có nhiều cố gắng nhưng trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, thu ngân sách thấp, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp...

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành tài chính phải có tầm nhìn trong quản lý NSNN; đặt vấn đề nhiệm vụ cuối năm của ngành rất nặng nề, do đó Bộ Tài chính, ngành tài chính phải có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân và DN. Công cụ tài khóa cần sử dụng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn để góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển. Bộ Tài chính phải điều hành, đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội những biện pháp quyết liệt hơn.

Ngành tài chính cần theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách phù hợp, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, các cấp, các ngành, phấn đấu cao nhất ba nhiệm vụ trọng tâm: bảo đảm dự toán thu ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết hỗ trợ phục hồi phát triển KTXH; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, theo đó, để thật sự phát huy vai trò huyết mạch, tạo động lực phục hồi KTXH trong trạng thái bình thường mới, ngành tài chính cần nghiên cứu triển khai quan điểm, định hướng chủ đạo sau: trước hết, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính ngân sách cần đổi mới tư duy phát triển và hoạch định chính sách, cần có quan điểm chủ động, tích hơn về vai trò CSTK trong tháo gỡ khó khăn cho SXKD, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tài chính không chỉ là thu chi NSNN mà cần được theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực cho xã hội.

Bộ Tài chính cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta. Phương châm đặt ra là tài chính không bị động để nền kinh tế bị thu hẹp mà phải chủ động góp phần tạo ra “chiếc bánh lớn” hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn cho phát triển KTXH, bảo đảm ASXH, quốc phòng-an ninh. Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần bảo đảm an toàn xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn.

Về CSTK, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Về quy mô tỷ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả. Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%. Rà soát, thực hiện hiệu quả các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, phòng chống hiệu quả mua bán, sáp nhập bất hợp pháp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về thu NSNN không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu. Yêu cầu ngành tài chính, thuế, hải quan tập trung làm tốt nhiệm vụ quản lý thu NSNN. Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến công tác thu ngân sách. Bí thư, Chủ tịch UBND, Giám đốc các Sở Tài chính chỉ đạo sát sao việc thu NSNN. Chỉ đạo việc miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí,  có biện pháp bù lại.

Về chi NSNN, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.

Ngành tài chính là ngành trực tiếp tham mưu, đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng gợi mở một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm: Một là, nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào. Thứ hai, thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được. Thứ tư, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ngành, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Cần có chế tài mạnh trong vấn đề này.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ bảo đảm cân đối dự trữ quốc gia, nhất là bảo đảm mua dự trữ thóc gạo trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tiếp tục chỉ đạo rà soát cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thu hút các nguồn vốn đầu tư mới. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục rà soát khung pháp lý cho kinh tế số, thương mại điện tử, tiếp tục phát triển Bộ Tài chính là cơ quan đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Yêu cầu Bộ Tài chính, cơ quan hải quan tiếp tục đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường kiểm tra giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực. Tích cực ứng dụng công nghệ vào công việc, hạn chế thanh kiểm tra làm ảnh hưởng DN. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành tài chính phải hợp tác chặt chẽ, một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân.

Tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Thu hút phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa có tâm, có tầm. Ngành đi tiên trong đột phá là con người và công nghệ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Trong giai đoạn mới, ngành tài chính phải đổi mới, có bản lĩnh và sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo để hoàn thành. mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

* Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ TC-NSNN 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn. Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng 6 tháng ở mức +1,81%, ASXH được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có hơn 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận.

Tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng hơn 48% dự toán. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó: thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019.

Trong thu nội địa, thu từ ba khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%.

Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của DN thật sự gặp nhiều khó khăn. Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt hơn 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt hơn 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Tính đến cuối tháng 6, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149 nghìn đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của DN, hộ và cá nhân kinh doanh; tổng số tiền được gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng) do khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm 2020. 

Tổng chi NSNN tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.

Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN thực hiện chủ động, bảo đảm chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Đến nay, NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó: chi cho công tác phòng, chống dịch 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng. 

Ngân sách T.Ư cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Bên cạnh đó, đã xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020...