Sau một thời gian nuôi thử nghiệm nhận thấy nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bảo quyết định tập trung phát triển và nhân rộng mô hình.
Với trại chăn nuôi có diện tích 150m2, anh nhân đàn thành công, duy trì số lượng hơn 300 con dúi má đào, trong đó có 70 cặp bố mẹ sinh sản.
Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt đến 500-700g, với giá bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cặp; dúi thương phẩm nuôi 6-7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng hơn 1kg, có giá từ 2 đến 3 triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng anh Bảo bán ra thị trường khoảng 10 cặp dúi giống và dúi thương phẩm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.
Nói về những ngày đầu nuôi dúi, anh Bảo chia sẻ: Khi mới bắt đầu tập nuôi dúi, tôi nuôi thử nghiệm loại dúi đen. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc thì dúi chết khá nhiều do bị bệnh.
Sau đó, tôi tìm hiểu trên mạng và đi tham quan các mô hình nuôi dúi ở ngoài bắc học hỏi thêm kinh nghiệm, thì được biết loại dúi má đào rất dễ nuôi, lại phù hợp với thời tiết, khí hậu ở chỗ mình, nên tôi thử nhập về nuôi thì thấy nó phát triển khá tốt.
Anh Bảo đang chăm sóc loài dúi má đào tại trại nuôi. |
Dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang giá trị kinh tế khá cao. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ.
Tiêu chí quan trọng là phải bảo đảm nhiệt độ và độ ẩm, trong đó hệ thống đèn sưởi, quạt làm mát luôn sẵn sàng khi thay đổi thời tiết.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Bảo cho biết: Loại dúi này có tập tính ăn về ban đêm, nên sau khi đi làm về, tận dụng thời điểm buổi chiều tối, mình vừa dọn dẹp chuồng trại, vừa cho ăn nên cũng không phụ thuộc quá nhiều thời gian vào việc chăm sóc dúi.
Một năm dúi sinh sản từ 2-3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 4-9 cá thể dúi con. Dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ. Sau khi tách mẹ khoảng 15 ngày, phải cho dúi con ăn bổ sung thêm ngô non - loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.
Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Vì vậy, khi dúi sinh sản được 2–2,5 tháng, thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.
Dúi thương phẩm được anh Bảo tách riêng để chuẩn bị xuất chuồng. |
Huyện miền núi Hướng Hóa có khí hậu và địa hình thích hợp để loài dúi sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn dồi dào cho dúi như tre, nứa sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp nông dân giảm bớt chi phí khi nuôi loài đặc sản này.
Ông Đinh Trường Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Khe Sanh cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của thị trấn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ ở địa bàn thị trấn.
Trong thời gian tới, Hội sẽ cho các hội viên đến mô hình của anh Nguyễn Đình Bảo học tập và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Hiện tại, mô hình nuôi dúi của anh Bảo chỉ kịp bán dúi giống, không đủ số lượng bán thịt để cung cấp cho các nhà hàng.
Dự định trong thời gian tới, anh Bảo sẽ nhân rộng mô hình, hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi dúi, để góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống của bà con ở miền núi Hướng Hóa.