Phấn khởi giới thiệu thành quả là những tạ rau gồm cải ngọt, mồng tơi, rau muống... tươi non vừa thu hoạch, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau sạch Trần Khẩn, anh Trần Văn Khẩn (xã Tân Phú Trung, Củ Chi) cho biết: "Rau của tổ hợp tác được cung cấp cho các chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi. Mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng tám tấn rau các loại, thu nhập gần 20 triệu đồng/ngày. Chúng tôi còn đang đầu tư dàn phun tưới tự động, giăng màn lưới tránh côn trùng, sâu bọ...". Tổ hợp tác rau sạch Trần Khẩn có diện tích canh tác 5ha, được thành lập từ năm 2019 với chín xã viên. Theo anh Khẩn, trước khi vào tổ hợp tác, các xã viên thường mạnh ai nấy trồng nên bấp bênh đầu ra, câu chuyện "được mùa mất giá" thường xuyên diễn ra... Thế nhưng, từ khi mọi người cùng liên kết với nhau, hiệu quả tăng lên thấy rõ. "Chúng tôi chia sẻ với nhau từ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cho đến hỗ trợ nhau vận chuyển, tìm đầu ra sản phẩm. Đặc biệt là khi đã ký hợp đồng với khách hàng lâu dài, giá cả ổn định thì không có chuyện hàng tồn, rau ế... Rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thường xuyên đưa mẫu đi kiểm nghiệm nên khách hàng rất yên tâm", anh Khẩn khẳng định.
Trong khi đó, Hợp tác xã rau sạch Củ Chi (xã Phú Hòa Đông) lại phát triển mô hình theo phương pháp thủy canh cho năng suất cao, chất lượng tốt. Chỉ tay về những cây xà lách mơn mởn chuẩn bị thu hoạch, Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Mạnh cho biết: Ưu thế của phương pháp này là thời gian từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch chỉ mất trung bình 35 ngày, nhanh hơn thời gian trồng trên đất từ 5-7 ngày; giảm được nhân công; sản phẩm đưa ra thị trường được mua với giá cao từ 22.000-25.000 đồng/kg tùy loại... "Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng mới, đầu ra ổn định đã giúp nhiều xã viên có thu nhập khá, trung bình từ 10-15 triệu đồng/người. Hợp tác xã ký hợp đồng trực tiếp với 12 thành viên. Các thành viên cam kết sản xuất đạt chuẩn VietGAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc... Hợp tác xã thực hiện sơ chế và đóng gói rau củ quả đúng cách, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm", anh Mạnh chia sẻ. Để giảm chi phí thuê bộ phận tư vấn, lắp đặt hệ thống trồng thủy canh, anh Mạnh tự tìm tòi cách làm nhà lưới, trụ trồng rau thủy canh rồi hướng dẫn các xã viên cùng thực hiện. Anh còn cung cấp nguyên liệu giá rẻ để mọi người đều có thể nâng cấp cơ sở tại nhà. Hợp tác xã rau sạch Củ Chi được thành lập năm 2016, ngay sau khi được giải ngân nguồn vốn vay 99 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ mua trang thiết bị ban đầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tiền đề để hợp tác xã có động lực vươn lên.
Từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, anh Nguyễn Mạnh Hùng (xã An Nhơn Tây) đã kêu gọi nông dân mở trại liên kết rồi thành lập Hợp tác xã Thỏ sạch An Nhơn Tây. "Ban đầu là mô hình tổ hợp tác với 10 xã viên. Tháng 3/2022, chúng tôi lập hợp tác xã với gần 40 xã viên trải rộng ở huyện Củ Chi, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Tổng đàn thỏ của hợp tác xã có gần 15.000 con; trong đó hơn 3.000 thỏ nái", anh Hùng cho biết. Theo anh Hùng, hiện nay việc tiêu thụ thỏ tương đối ổn định, bảo đảm người chăn nuôi có lợi nhuận khi vào chuỗi liên kết. "Trên địa bàn cũng có nhiều người nuôi thỏ nhưng chưa quan tâm chất lượng, buôn bán bấp bênh nên chúng tôi quyết tâm mở rộng mô hình nuôi thỏ sạch. Hiện, mỗi tháng hợp tác xã xuất bán khoảng 3.000 con thỏ thịt (6 tấn). Giá thỏ hơi hiện đạt 80.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Đây là mô hình không cần vốn đầu tư nhiều, chỉ cần 3-5 triệu đồng là có thể nuôi thỏ và có khả năng thu hồi vốn nhanh", anh Hùng nói thêm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức, trên địa bàn huyện hiện có 39 hợp tác xã nông nghiệp và 100 tổ hợp tác với hơn 1.700 thành viên. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị các cấp và người dân về phát triển kinh tế tập thể, triển khai các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể...
Trong Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ phát triển 150 hợp tác xã, hai liên hiệp hợp tác xã. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể sẽ đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố là 0,5%. Thành phố cũng sẽ thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt hơn 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp; xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Thị Mai cho biết: Thành phố sẽ tập trung phát triển các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề nông thôn); lĩnh vực dịch vụ (thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, thủy lợi, cung cấp cây, con giống, vay vốn tín dụng...) và thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên giao, thuê đất, nhà xưởng, bồi dưỡng cán bộ quản lý để khuyến khích các tổ hợp tác chuyển thành hợp tác xã. Đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.