Thu hút vốn FDI vào phía nam châu thổ sông Hồng

Là khu vực có tốc độ phát triển chậm hơn so với toàn vùng, nhiệm kỳ 2020-2025, các tỉnh phía nam châu thổ sông Hồng đã đặt mục tiêu trở thành địa phương phát triển và phát triển khá trong vùng. Ðể bứt phá, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình đã tập trung cao độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân lao động tại Nhà máy dệt Top Textile - doanh nghiệp 100% vốn trực tiếp nước ngoài tại Khu công nghiệp Rạng Ðông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh.
Công nhân lao động tại Nhà máy dệt Top Textile - doanh nghiệp 100% vốn trực tiếp nước ngoài tại Khu công nghiệp Rạng Ðông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh.

Ðây được xem là hướng đi trúng và đúng trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đến thị trường Việt Nam, nơi được xem là đầy tiềm năng. Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu suy giảm.

Chủ động đón làn sóng đầu tư

Vài năm gần đây, Thái Bình nổi lên như một điểm sáng trong thu hút vốn FDI. Riêng năm 2023, với việc thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, Thái Bình đã lập “kỳ tích” khi lần đầu đứng trong Tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ðây là tiền đề quan trọng, tạo đà để tỉnh bứt phá vươn lên. Tạo điểm nhấn về không gian, dư địa dành cho phát triển công nghiệp cũng là yếu tố cần thiết để Thái Bình chủ động đón “làn sóng” đầu tư FDI.

Với vai trò là khu công nghiệp tiên phong, trọng điểm về thu hút đầu tư của Khu kinh tế Thái Bình, chỉ hơn 2 năm qua, Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã có 14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (chủ yếu là các dự án FDI) đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Singapore, với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Riêng năm 2023, khu công nghiệp này đã thu hút 6 dự án FDI. Theo chủ đầu tư Green i-Park, đã có 3 dự án FDI đi vào hoạt động ổn định, gồm các công ty Lotes Việt Nam (tổng vốn đầu tư 167 triệu USD); Ohsung Vina (40 triệu USD) và JinYang Electronics Vina (21 triệu USD).

Tại Nam Ðịnh, hiện địa phương có 170 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh Trần Anh Dũng cho biết: “Ðáng chú ý, trong năm 2023, tỉnh thuyết phục được Tập đoàn Quanta Computer Inc., một trong những nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới của Ðài Loan (Trung Quốc) đầu tư dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với tổng vốn đăng ký 120 triệu USD.

Tiếp đó, tỉnh thu hút được Tập đoàn JiaWei của Ðài Loan (Trung Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine với tổng mức đầu tư 42 triệu USD; Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore) với tổng mức đầu tư gần 84,5 triệu USD; ký thỏa thuận với Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polymer công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD,...”.

Theo ông Trương Hồng Dương, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Phú Gia của Ðài Loan (Trung Quốc), đơn vị vừa đề xuất đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái tại Nam Ðịnh. Sở dĩ công ty quyết định lựa chọn Nam Ðịnh để đầu tư thêm một dự án bởi tỉnh có nền tảng về sản xuất nông nghiệp; điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu công ty đặt ra là phát triển, đưa dự án đầu tư tại Nam Ðịnh trở thành mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ kỹ thuật cao trên toàn miền bắc Việt Nam.

Còn tại tỉnh Hà Nam, từ năm 2022, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách. Ðiều làm nên bước tiến dài trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chính là thu hút được rất nhiều dự án FDI. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Phạm Hồng Thanh cho hay, trên địa bàn hiện có 1.200 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 395 dự án FDI và 805 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 6 tỷ USD và 171.830 tỷ đồng. Khu công nghiệp Ðồng Văn 1 mở rộng của tỉnh được các nhà đầu tư đánh giá có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ.

Vừa qua, khu công nghiệp này đã thu hút được dự án nhà máy sản xuất thực phẩm với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pepsico Việt Nam đầu tư. Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi chọn đầu tư vào khu công nghiệp này vì thấy chính quyền có sự đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án rất nhanh, nhất là hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép đầu tư để sớm đưa nhà máy vào hoạt động, tạo nguồn thu cũng như việc làm cho địa phương”.

Khơi thông “điểm nghẽn”

Theo đánh giá của các chuyên gia, các tỉnh phía nam vùng Ðồng bằng sông Hồng có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp. Cùng với đó, khu vực này có 5 hạn chế lớn, gồm: Hạn chế về tính liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp; hạn chế trong việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng cho biết: Ðể nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI, lãnh đạo tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành, chính quyền cơ sở và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư. Tỉnh còn tổ chức các đoàn lãnh đạo đi công tác thực tế và trực tiếp kêu gọi xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ; chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đang quyết liệt đầu tư xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng giao cho nhà đầu tư,... Tỉnh cũng rất quan tâm việc đào tạo nguồn lao động vì đây là yếu tố rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại tỉnh Nam Ðịnh, để tránh việc thiếu đất sạch, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tham mưu cho tỉnh triển khai lập quy hoạch các khu công nghiệp mới đã được đưa vào quy hoạch tỉnh; đồng hành cùng nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Trung Thành, Hồng Tiến hoàn thiện đề xuất dự án đầu tư, giải trình các nội dung theo yêu cầu của các bộ, ngành. Dự kiến trong năm nay, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quỹ đất dành cho thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ 2 khu công nghiệp này có thể tăng thêm khoảng 300 ha.

Quy hoạch tỉnh Nam Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước thể chế hóa, khái quát khát vọng, tầm nhìn, định hướng phát triển cho toàn tỉnh và từng ngành, lĩnh vực. Tỉnh tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Ðịnh

Còn đối với Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận cho biết, trong thu hút đầu tư FDI, thay vì thu hút ồ ạt dự án, Thái Bình chuyển từ “lượng” sang “chất” theo định hướng thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế bền vững, có chiều sâu. Tỉnh xác định cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là 1 trong 3 đột phá phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, tỉnh Thái Bình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực như phát triển nhà ở, khu kinh tế và khu công nghiệp, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), tài chính, thuế,...

Có thể thấy, mỗi tỉnh trong khu vực đều đang chọn cho mình hướng đi riêng nhằm tạo ra lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư FDI. Qua đánh giá, có nhiều yếu tố tác động đến thu hút đầu tư vào các tỉnh như: Cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ công; chính sách đầu tư,... Trong các yếu tố này, chính sách đầu tư và nguồn nhân lực có tác động lớn nhất đến các nhà đầu tư. Cải thiện được 2 vấn đề này, các địa phương phía nam vùng Ðồng bằng sông Hồng sẽ có thêm nhiều cơ hội đón làn sóng vốn FDI dồi dào, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.