Tại hội trường, với 468 đại biểu tán thành, bằng 94,74% tổng số đại biểu, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi); với 470/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,14% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Quy định chặt chẽ việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Các đại biểu bày tỏ thống nhất về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật, là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau. Đó là trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội và xây dựng, phát triển quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.
Tuy nhiên, khi xây dựng được hai Luật này còn nhiều điều khó khăn, cần phải phân biệt rất rõ để chuyển sang một luật hay để tồn tại trong hai luật. Vẫn còn khá nhiều trường hợp có nội dung, nội hàm còn chồng chéo, đan xen lẫn nhau về trách nhiệm và thẩm quyền giữa hai luật này. Do đó, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thận trọng, tính toán kỹ lưỡng để thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật sát với thực tiễn, sát với những phát sinh trong đời sống, giải quyết một cách khoa học, căn cơ và tiến bộ.
Cho ý kiến về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô-tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) và một số đại biểu cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết, vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thực tế đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, liên quan việc đưa đón học sinh. Các nội dung quan trọng của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đề nghị dự thảo Luật Đường bộ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô-tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.
Về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đề nghị cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Làm rõ vấn đề này, đại biểu cho biết, tại khoản 1 Điều 5 về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, với nội dung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, dự thảo Luật đề cập nhiều hơn về các chính sách cụ thể để hỗ trợ cải thiện đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất thành các chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực như: có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực này và việc huy động xã hội hóa…
Trường hợp các quy định trong dự thảo Luật đã có nội dung liên quan, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.
Tránh chồng chéo trong xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật này.
Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nêu ý kiến tại phiên làm việc, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, dự án Luật được chuẩn bị công phu, chi tiết, tuy nhiên còn nhiều quy định cần làm rõ nhằm tránh chồng chéo, bất cập.
Liên quan quy định về thiết bị giám sát hành trình trong dự án Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu thống nhất về sự cần thiết nhằm giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ. Dữ liệu giám sát phải được chuyển về Trung tâm giám sát của cơ quan chức năng theo thời gian phục vụ công tác nhằm bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông, phục vụ kiểm soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối tượng áp dụng của quy định nêu trên cần cụ thể hơn. Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông của dự án Luật có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thu thập dữ liệu hình ảnh. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu bao gồm tất cả các loại xe, kể cả xe cá nhân và không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nhằm tránh chồng chéo với Luật Đường bộ hiện hành. Dẫn số liệu thống kê mới nhất, đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi đối với quy định gắn thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 73 triệu mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành trên khắp cả nước hiện nay; thay vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải.
Về quy định tính điểm giấy phép lái xe trong dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu rõ: Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, một phần nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Ngoài ra, việc phạt hành chính đôi khi chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm. Vì vậy, quy định tính điểm giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo có thể xem xét xây dựng khung trừ điểm tương tự nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng để người điều khiển phương tiện tự nâng cao ý thức về số điểm còn lại trước khi bị trừ hết điểm và tước bằng lái.
Một trong những vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên làm việc là quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Các đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, không nên quy định quá cứng nhắc về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Thế nhưng, dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam cũng như góc độ sinh học thì có phần chưa phù hợp. Thay vào đó, cần kế thừa những quy định liên quan của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo đó cho phép nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền; tuy nhiên, vẫn nên cấm tuyệt đối những vi phạm về nồng độ cồn đối với người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có công việc chính là lái xe dịch vụ, lái xe hợp đồng các cơ quan, tổ chức nhà nước…
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Đường bộ. (Ảnh DUY LINH) |
Cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau mà các đại biểu nêu.
"Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông là nhằm kiểm soát năng lực hành vi. Nhưng thực tế, năng lực hành vi chỉ bị ảnh hưởng khi sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn, và rượu bia cũng chỉ là một trong số các tác nhân. Vì vậy, cần phân biệt rõ năng lực hành vi với tác nhân, việc sử dụng hay không sử dụng rượu bia khi xây dựng quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông".
Đại biểu BẾ TRUNG ANH (Trà Vinh)
Cần bổ sung thêm quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quá khổ, quá tải trái quy định, vì đây là hành vi khá phổ biến, phát sinh trong quá trình tham gia giao thông. Nếu không có quy định này sẽ gây khó khăn cho thanh tra giao thông đường bộ trong quá trình xử lý hành vi vi phạm.
Đại biểu DƯƠNG VĂN PHƯỚC (Quảng Nam)
Vấn đề ách tắc, ùn nghẽn giao thông hiện nay tại các tuyến đường chính giờ cao điểm một số thành phố lớn mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa thật sự giải quyết ổn thỏa; đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.
Đại biểu TRẦN THỊ THU HẰNG (Đắk Nông)
"Điều kiện quan trọng nhất khi điều khiển phương tiện giao thông là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Do đó, quy định cho phép người đủ 13-14 tuổi có thể điều khiển xe gắn máy e rằng chưa phù hợp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Bởi đây là độ tuổi chưa bảo đảm điều kiện về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông".
Đại biểu THÁI THỊ AN CHUNG (Nghệ An)