Sáng 25/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VPER) phối hợp Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức) tổ chức Tọa đàm FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Quy mô dự án nhỏ
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo về tình hình thu hút FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA là nhận định: Tuy số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Lũy kế đến tháng 8/2022, EU có tổng cộng 2.378 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng giá trị 27,59 tỷ USD. Đầu tư của doanh nghiệp EU chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
Quy mô vốn đăng ký trung bình của một dự án đạt cao nhất 14,62 triệu USD vào năm 2014, sau đó giảm xuống mức hơn chín triệu USD/dự án trong những năm tiếp theo và đầu năm 2022 đã tăng trở lại đạt mức 11,6 triệu USD/dự án.
“Xét về vốn, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được; còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU. Tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới”, thay mặt Nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.
Điểm tích cực là gần đây, các doanh nghiệp EU có xu hướng quan tâm đến các ngành dịch vụ (như logistics, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm... Đồng thời, 8 tháng đầu năm 2022 đã xuất hiện một số dự án có giá trị cao, quy mô lớn. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bức tranh thu hút FDI ở Việt Nam.
FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được; còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU.
TS Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Chia sẻ tại Tọa đàm, Viện trưởng Nghiên cứu châu Âu Nguyễn Chiến Thắng cho biết, những hạn chế trong thu hút FDI từ EU hiện nay cũng chính là những vấn đề đã đặt ra từ hơn 10 năm trước. Bức tranh thu hút FDI từ EU không có nhiều thay đổi trong khi chúng ta đặt ra nhiều kỳ vọng rất lớn sẽ có bước đột phá từ việc thi hành hai hiệp định EVFTA và EVIPA.
Chúng ta kỳ vọng nhiều vào khả năng thu hút đầu tư chất lượng cao, công nghệ nguồn từ những nước phát triển nhưng hiện chỉ có duy nhất Hà Lan lọt vào tốp 10 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo cần làm rõ vì sao có đặc điểm này, do yếu tố văn hóa đầu tư hay do yêu cầu cao của các nhà đầu tư EU về thể chế, môi trường kinh doanh mà Việt Nam chưa đáp ứng được.
Nhận diện sáu cơ hội, bảy thách thức và giải pháp khắc phục
Báo cáo cũng nhận diện sáu cơ hội, bảy thách thức đặt ra trong quá trình thu hút FDI từ EU vào Việt Nam trong bối cảnh mới từ tác động của các Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Cụ thể, về cơ hội, những cam kết thương mại trong EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng quy mô FDI từ các quốc gia nội khối và FDI nói chung do những cam kết về cắt giảm thuế quan; tăng quy mô FDI của EU vào Việt Nam do Hiệp định này giúp cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như thị trường ASEAN rộng lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc sớm ký FTA với EU mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc thu hút FDI của khối 27 thành viên EU.
Về môi trường đầu tư, việc thực hiện EVFTA cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu đầu tư của EU vào Việt Nam theo ngành và lĩnh vực.
Việc thực thi hai hiệp định này sẽ là động lực và yêu cầu để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư.
Nhưng thách thức đặt ra rất lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng có nhiều biến động. Vì EVFTA và EVIPA chỉ là một trong những điều kiện để thu hút nhà đầu tư EU vào Việt Nam, rủi ro từ bối cảnh mới có thể làm suy yếu tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và các nhà đầu tư từ EU.
Việc thực hiện EVFTA cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu đầu tư của EU vào Việt Nam theo ngành và lĩnh vực.
Quá trình chuyển đổi số cũng có thể thu hẹp dòng đầu tư của EU vào Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực có giá trị cao do sự thay đổi trong mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia.
Bên cạnh đó, những FTA thế hệ mới như EVFTA và EVIPA đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư EU như chất lượng cơ sở hạ tầng còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp... Đặc biệt, do những hạn chế về nguồn nhân lực, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của những dự án FDI chất lượng thấp.
Trong các giải pháp đặt ra nhằm nâng cao chất lượng thu hút dòng đầu tư từ EU, TS Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Đại học Swinburne Việt Nam lưu ý vấn đề cải cách thể chế, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Hiện nay, chất lượng thể chế ở Việt Nam vẫn bị đánh giá là thấp và là điểm nghẽn trong thu hút FDI của EU vào Việt Nam trong khi đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp.
Các giải pháp cải cách thể chế cần tập trung vào nội dung bảo đảm quyền tài sản; cải cách điều kiện kinh doanh; sửa đổi các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định, chính sách pháp luật.
“Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chính sách ưu tiên, đãi ngộ về thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai, đặc biệt là đối với doanh nghiệp FDI tìm kiếm tài sản chiến lược và phân tán FDI tạo một địa điểm vì mục tiêu dài hạn. Môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt, Chính phủ cần có các giải pháp để cải cách về khởi sự kinh doanh, cải cách hệ thống tư pháp, cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành...”, TS Nguyễn Thị Thanh Mai khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan đến nhiệm vụ tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA và EVIPA, hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.