Coi trọng chất lượng các dự án FDI

Mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến lý tưởng nhưng để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) mới, tiềm năng, các tập đoàn lớn, thành phố cần xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động...
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư nước ngoài tham quan gian trưng bày thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà đầu tư nước ngoài tham quan gian trưng bày thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, thành phố đang có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với gần 10.930 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 78,32 tỷ USD. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Cao Thị Phi Vân cho biết, bên cạnh những lợi thế, môi trường đầu tư của thành phố đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động… Thành phố cần một chiến lược thu hút FDI dài hạn.

Nhiều năm liền, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước và khu vực Ðông Nam Á. Trước đây, thành phố chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ, thì nay là các dự án đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; các dự án mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thành phố đang phải đối mặt với một số khó khăn lớn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Ðó là sức ép lạm phát từ việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, chưa được cải thiện; quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ sản xuất công nghiệp không còn nhiều...

Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư và Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép, hoặc phê duyệt M&A (sáp nhập-mua lại).

Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi. Tuy nhiên, với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình làm việc. Yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Thành phố cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch, có thể biến "băng đỏ" thành "thảm đỏ".

Việt Nam cần có những kết nối kinh tế và bảo đảm mạng lưới cung ứng toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ về thị trường và vốn tín dụng. Ðối với Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường thu hút đầu tư FDI, sử dụng công nghệ trong kinh doanh, mở rộng các hình thức đầu tư ODA, PPP, tham gia cổ phần, vốn đầu tư mạo hiểm… hơn nữa.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương quy tụ những nhà đầu tư lớn với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong các tỉnh, thành phố tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, thành phố là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ các dự án FDI mới, tiềm năng, thành phố cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư. Cùng với đó là thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…

Theo ông Frederick R. Burke, cố vấn cấp cao Công ty luật Baker & Mc Kenzie, khung pháp lý luôn là một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư khi tiến hành các dự án đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Những quy định nêu trên rất quan trọng bởi liên quan đến nhiều vấn đề nhà đầu tư quan tâm, trong đó có vấn đề chi phí vốn và cấp độ quốc tế. Các nhà đầu tư mong muốn quy định pháp luật là một công cụ giúp họ xác định tính khả thi cho việc đầu tư cũng như dự đoán "lãi/lỗ" một cách tương đối. Bên cạnh đó là các Hiệp định bảo hộ đầu tư, được xem như một chế định không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về đầu tư của bất kỳ quốc gia nào, có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.