Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh liên kết đầu vào sản xuất và đầu ra trong tiêu thụ nông sản để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro trong đầu tư phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng.
Còn nhiều điểm nghẽn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Tây Nam Bộ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Một số dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2023 gồm: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại tỉnh Long An, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng An; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau. Các dự án đầu tư này đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khó khăn lớn nhất trong thu hút đầu tư là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Đây là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nhiều năm qua của vùng nhưng chậm được khắc phục.
Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, năng suất lao động thấp khiến giá thành sản phẩm nông nghiệp còn cao, không cạnh tranh được với sản phẩm nông nghiệp của các nước trong khu vực. Hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bình quân người lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp bằng khoảng một phần năm so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, chưa có quy trình, thủ tục rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện kinh tế-xã hội tương tự nhau. Do đó, lợi thế của địa phương này cũng là thế mạnh của địa phương khác. Vấn đề ở đây là phải làm sao để các địa phương cùng vì lợi ích chung, sự phát triển của toàn vùng chứ không thể phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm", cạnh tranh lẫn nhau.
Để giải quyết bất cập này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè kiến nghị: Hội đồng Điều phối vùng cần có cơ chế để mỗi địa phương chỉ phát triển ngành, lĩnh vực mà mình có lợi thế nhất về nông nghiệp, tránh trùng lặp với địa phương khác trên cơ sở quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương thống nhất; đồng bộ nhất là thu hút các dự dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, các dự án nông nghiệp, nông thôn.
Hoàn thiện hạ tầng, ưu đãi hấp dẫn
Thành phố Cần Thơ có vai trò, vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục điểm yếu này, thành phố đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội.
Đầu tư vào trung tâm này, doanh nghiệp được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất tỷ lệ cao và thời gian dài hơn so với đầu tư những nơi khác. Bên cạnh đó, tận dụng hạ tầng giao thông được đầu tư gần đây, Cần Thơ thành lập Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh ở vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh đã khởi động và ký biên bản ghi nhớ cho 11 nhà đầu tư thuê đất ở khu công nghiệp này.
Là nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp vùng, hơn 5 năm qua, ông David Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn MAVIN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam mong muốn, Chính phủ sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng và dịch vụ logistics để doanh nghiệp thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tiêu thụ.
Các địa phương tôn trọng nhu cầu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Các tỉnh, thành phố nên hướng dẫn rõ ràng về quy trình xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác và cần có một đầu mối duy nhất để nhà đầu tư liên hệ giải quyết các thủ tục đầu tư từ nước ngoài, giảm sự chậm trễ trong giải quyết công việc.
Để hỗ trợ nhà đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Trong đó, tập trung vào ba trung tâm logistics lớn: Trung tâm logistics ở vùng nguyên liệu với kho chứa hàng, nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật hỗ trợ nông dân; Trung tâm logistics ở các thành phố lớn vừa làm chức năng chế biến sâu, vừa bảo đảm xuất khẩu và Trung tâm logistics ở các cửa khẩu chủ yếu trữ hàng hóa cho xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang đầu tư và hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ về chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng tăng hỗ trợ tài chính và hành chính trong tiếp cận chính sách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện và trình Chính phủ đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đến năm 2030 (theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính), với các quy định ưu đãi rõ ràng, hấp dẫn với các nhà đầu tư tham gia đề án này.