Thu hút đầu tư Nhật Bản vào Thanh Hóa

NDO -

NDĐT - Chiều 14-12, lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành liên quan đã có buổi làm việc với Ngài UMEDA Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi thông tin về tình hình triển khai, mở rộng quy mô đầu tư một số dự án cụ thể, cơ hội đầu tư vào nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa; vấn đề nảy sinh cùng phối hợp giải quyết trong thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; triển khai dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2; tăng cường quản lý doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật Bản; chương trình du học, nhân rộng hoạt động dạy tiếng Nhật ở các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mong phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nông nghiệp phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giảm nhẹ thiên tai và chống biến đổi khí hậu... Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường đại học thiết lập quan hệ hợp tác, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên tỉnh Thanh Hóa được tiếp cận và tham gia các chương trình đào tạo tại Nhật Bản.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh tổ chức “Ngày Nhật Bản tại Thanh Hóa” năm 2018, góp phần thắt chặt mối quan hệ thân thiết, gần gũi, gắn bó giữa tỉnh Thanh Hóa với Nhật Bản. Đồng thời, Thanh Hóa cũng kỳ vọng phía Nhật Bản cùng các liên doanh đưa Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào hoạt động trong quý II năm 2018; sớm thành lập, ra mắt Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thanh Hóa nhằm thu hút thêm đầu tư vào Thanh Hóa.

Phía tỉnh Thanh Hóa cam kết tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản phát huy hiệu quả đầu tư, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản theo thẩm quyền. Đồng thời, Thanh Hóa cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan, Chính phủ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Đại sứ Nhật Bản trao đổi rõ thêm việc khơi thông dòng vốn ODA vào Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa; phương thức tiếp cận Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, phổ biến tiếng Nhật ở Việt Nam. Đại sứ cũng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị liên quan và nhất trí cao với sáng kiến tổ chức “Ngày Nhật Bản tại Thanh Hóa” năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, và giao cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Thanh Hóa cùng phối hợp tổ chức.

Thanh Hóa có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài do các nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên doanh đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.820,2 triệu USD. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản là 5.604,1 triệu USD, chiếm 17,2% về số dự án và 40,3% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.

Một số dự án lớn có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD; Nhà máy xi-măng Nghi Sơn (622 triệu USD); Nhiệt điện Nghi Sơn 2 của Tổ hợp nhà thầu Marubeni - Nhật Bản và Tập đoàn điện lực Kepo - Hàn Quốc (2.793 triệu USD). Đến nay, có tám dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Riêng dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cơ bản hoàn thành, đang triển khai đầu tư các hạng mục về môi trường, dự kiến vận hành thương mại có sản phẩm vào quý II năm 2018.

Trên địa bàn tỉnh còn có 77 dự án ODA đã và đang triển khai thực hiện, với tổng số vốn ODA cam kết 689,6 triệu USD. Trong đó có chín chương trình, dự án ODA của JICA Nhật Bản với tổng số vốn ODA cam kết tài trợ gần 45,5 triệu USD. Lũy kế giải ngân vốn của JBIC/JICA đến nay đạt gần 40,1 triệu USD, bằng 88% tổng số vốn ODA cam kết.