Thu hút các tập đoàn lớn, khu công nghiệp phải có các dịch vụ hiện đại đi kèm

NDO -

Ngày 9/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất".

Quang cảnh hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất".
Quang cảnh hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất".

Hội thảo nhằm hỗ trợ thông tin về các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như nêu ra các kiến nghị giải pháp tháo gỡ những khó khăn tồn đọng trong các chính sách thực hiện kêu gọi đầu tư trước đây. Qua đó, giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách đầu tư và hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất sau đại dịch Covid-19; những yêu cầu đặt ra và kinh nghiệm trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; phòng ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất...

Theo thống kê, hiện cả nước đã thành lập được khoảng 335 khu công nghiệp với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 53,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên phạm vi cả nước còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, chất thị trường trong phát triển các khu công nghiệp Việt Nam còn ít, thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu, châu Mỹ.

Cùng với đó, chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp. Sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các khu công nghiệp không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào các khu công nghiệp, các đại biểu nhấn mạnh, các ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với các dịch vụ hiện đại đi kèm. Xây dựng chính sách linh hoạt trong đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt; đẩy mạnh liên kết giữa các khu công nghiệp, kết nối các doanh nghiệp bên trong và bên ngoài khu công nghiệp… để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh.