Ngày 12/8, Tổng cục Thuế thông tin về quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động.
Theo đó, Tổng cục Thuế cho biết, gần đây, có phản ảnh cho rằng trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã "bỏ rơi" người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (thu nhập cá nhân) cho người làm công ăn lương.
Về nội dung trên, để rộng đường dư luận, Tổng cục Thuế thông tin về một chính sách hỗ trợ về thuế đối với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Từ đó, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.
Với quy định hiện hành thì người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng thì sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.
Thí dụ như người lao động có 2 người phụ thuộc và có đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc thì với mức thu nhập 22 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế và không bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, với mức thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì nộp thuế ở bậc 1 với thuế suất 5% và số thuế khấu trừ hàng tháng chỉ là 39.250 đồng/tháng.
Như vậy, thông tin nếu tổ chức trả thu nhập nào đó tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động theo mức thu nhập bình quân của năm trước ngay cả khi có mức thu nhập thấp 4,5 triệu đồng/tháng hoặc 20 - 22 triệu đồng/tháng với 2 người phụ thuộc là không đúng với quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân.
Khi đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công trong 6 cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công.
Trước đó, để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, theo đó mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Quy định này đã có tác động điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu ngân sách nhà nước là 10,8 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.
Đáng chú ý, về thông tin thu thuế thu nhập cá nhân đạt tiến độ thu khá trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục thuế đã cho biết do thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán (gấp 2,91 lần), từ đầu tư vốn của cá nhân (tăng 78,2%) và từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 68,8%).
Còn sau khi thức hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đã giảm thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (chỉ đạt khoảng 97% so với cùng kỳ).
Cùng nội dung về chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cập nhật tình hình gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho biết, căn cứ trên số liệu hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), kết quả thực hiện gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ lũy kế đến ngày 6/8/2021 cho biết, tổng số có 137.118 đơn đề nghị gia hạn, trong đó, khối doanh nghiệp, tổ chức là 118.143 đơn, cá nhân có 18.975 đơn.
Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 67.194 tỷ đồng. Trong đó, thuế của doanh nghiệp, tổ chức là 35.741 tỷ đồng, trong đó, tháng 3 là 7.458 tỷ đồng, tháng 4 là 6.992 tỷ đồng, tháng 5 là 6.123 tỷ đồng, tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 1/2021 của doanh nghiệp, tổ chức được ước tạm tính bằng 20% số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và bằng 29.346 tỷ đồng. Thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn là 261 tỷ đồng; tiền thuê đất là 1.844 tỷ đồng.
Cập nhật tình hình triển khai triển khai lộ trình kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các sàn giao dịch thương mại điện tử cho biết, để bảo đảm việc triển khai hướng dẫn Thông tư số 40/2021/TT-BTC phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và các sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản gửi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đề nghị Hiệp hội tổ chức lấy ý kiến các sàn giao dịch thương mại điện tử, tổng hợp ý kiến tham gia.
Trong trường hợp có ý kiến khác về lộ trình dự kiến, đề nghị Hiệp hội có đề xuất cụ thể và gửi Tổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân) chậm nhất trước ngày 27/7/2021. Theo đó, Tổng cục Thuế đưa ra dự kiến 4 bước trong triển khai thực hiện.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành nghiên cứu dự thảo sửa đổi mức thuế xuất khẩu, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép xây dựng.
Ngày 8/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, trong đó, giao: “Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp...”
Ngày 29/6/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, tại điểm đ, Mục 6 đã giao: “Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước.
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP nêu trên, Bộ Tài chính đã dự thảo dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ. Ngày 13/7/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 7672/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội về dự thảo Nghị định này.
Trong đó, trên cơ sở phân tích hiện trạng ngành thép trong nước hiện nay cũng như diễn biến của thị trường thép thời gian qua và dự báo cho thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn; đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao (15%, 20%, 25%) để bình ổn giá cả mặt hàng thép trong nước trong bối cảnh giá thép xây dựng liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước.
Hiện, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, trên cơ sở đó sẽ có phương án cụ thể báo cáo Chính phủ về vấn đề này.