Thông tin mới

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng ở các tỉnh Tây Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Vừa qua, tại thành phố Kon Tum, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay”. Hội thảo có 46 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý.

Tại hội thảo, ý kiến các đại biểu tập trung làm rõ việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; đổi mới công tác vận động quần chúng trong các cơ quan nhà nước và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới vững mạnh; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng… Ban tổ chức hội thảo tổng hợp những ý kiến để đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên về các giải pháp đột phá, nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới.

Đắk Lắk đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn.

Cụ thể, tăng cường truyền thông và đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân; nghiên cứu, góp ý đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi lấy ý kiến; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định, hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân…

Áp dụng bộ công cụ Smart vào công tác quản lý bảo vệ rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông) cho biết, đơn vị đã áp dụng bộ công cụ Smart vào công tác quản lý, bảo vệ rừng theo Quy trình sử dụng của Tổng cục Lâm nghiệp và văn bản của Cục Lâm nghiệp về việc triển khai áp dụng bộ công cụ này.

Smart là bộ công cụ hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho chủ rừng trong việc quản lý, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng; giám sát đa dạng sinh học để xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học tại đơn vị đạt hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống. Cụ thể, công cụ này giúp lãnh đạo đơn vị trong kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để có các biện pháp điều hành, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý của đơn vị; kịp thời xây dựng kế hoạch ngăn chặn các nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng; đồng thời, giải quyết được bất cập trong lưu trữ hồ sơ, có thể kết nối đồng bộ dữ liệu, tạo sự minh bạch và khách quan đối với hoạt động toàn đơn vị. Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đang quản lý, bảo vệ hơn 23.200 ha diện tích tự nhiên.

Lâm Đồng thúc đẩy sớm khởi công dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc thẩm định, phê duyệt, hoặc hướng dẫn các nội dung liên quan dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng), tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm khởi công dự án. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến cao tốc này dài 66 km (đoạn qua Lâm Đồng dài 55km), với bốn làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 18.120 tỷ đồng; trong đó phần vốn nhà nước chiếm 35,87%. Dự án đã được tỉnh trình các bộ, ngành liên quan thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hội đồng thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo phương thức PPP.

Đây là dự án quan trọng, tạo động lực phát triển đột phá kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên; địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện để sớm khởi công dự án vào quý I/2024.