Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng và thành viên là giám đốc các sở, ngành trọng yếu của tỉnh.
Trên cơ sở rà soát gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư do các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 12.246 doanh nghiệp, trong đó có 11.291 doanh nghiệp nội tỉnh và 955 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia Hang C6-1
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia Hang C6-1 thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Nô.
Qua khai quật tại hang C6-1 và C6, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ và hiện vật là đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành. Đặc biệt và quan trọng nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối.
Theo các nhà khoa học, các di sản khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, nơi còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam.
413 đơn vị máu trong ngày hội “Giọt hồng Bắc Tây Nguyên”
Vừa qua, tại thành phố Kon Tum, Ban tổ chức Hành trình Đỏ Trung ương phối hợp Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Kon Tum tổ chức Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Bắc Tây Nguyên” thu hút gần 500 tình nguyện viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tham gia.
Nằm trong chuỗi lịch trình Hành trình Đỏ năm 2023, Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Bắc Tây Nguyên” nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam nói chung và nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng. Sự kiện nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về hiến máu tình nguyện trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về hiến máu tình nguyện, an toàn truyền máu và sự cần thiết, ý nghĩa của việc hiến máu cứu người.
Qua chương trình, Ban tổ chức thu được 413 đơn vị máu, cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn, phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu, đồng thời tuyên truyền thông tin, kiến thức các bệnh về máu để mọi người hiểu rõ; thúc đẩy công tác vận động hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới
Lâm Đồng ban hành danh mục 34 dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Phòng cấy mô sản xuất cây giống phục vụ phát triển nông nghiệp tại Lâm Đồng. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định ban hành danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn gồm 34 dự án, với tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và vốn hỗ trợ hơn 50,8 tỷ đồng.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, chăn nuôi gồm bảy dự án, dự kiến vốn đầu tư 84 tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ 270 tỷ đồng, gồm tám dự án; sản xuất phân bón hữu cơ là 96 tỷ đồng cho ba dự án và các dự án còn lại thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến. Nguồn vốn, ngân sách tỉnh hằng năm dành 5% vốn chi cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời sử dụng vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và các quỹ hợp pháp khác.