Thống nhất mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

NDO - Thông tư 13/2023/TT-BYT là văn bản đầu tiên hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu. Thông tư không quy định cố định giá khám mà có dải giá để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình, nhu cầu của người bệnh để xây dựng giá cho phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về khám chữa bệnh theo yêu cầu. (Ảnh: TL)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về khám chữa bệnh theo yêu cầu. (Ảnh: TL)

Không còn tình trạng mỗi nơi "một giá" khám chữa bệnh theo yêu cầu

Dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đã ra đời từ lâu, phục vụ cho người dân có điều kiện về kinh tế khi đăng ký khám chữa bệnh. Tuy nhiên, giá dịch vụ hiện nay chưa thống nhất, mỗi nơi một giá.

Theo khảo sát của phóng viên, có cơ sở y tế thu giá với khoảng 500.000 đồng/lần khám nếu khám Giáo sư, Phó Giáo sư và mức này giảm dần với Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua, hầu hết giá khám cũng như giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu thực hiện theo giá bảo hiểm y tế, nếu có giá khám theo yêu cầu thì thu với giá thấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá khám tại Bệnh viện Bạch Mai với Giáo sư, Phó Giáo sư thực thu là 150.000 đồng; giá khám với Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng, giá khám với Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng.

Mức giá thấp như vậy khiến cho việc thu hút nhân sự chất lượng cao khó hơn, không thể phát triển các dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân có nhu cầu, đòi hỏi về dịch vụ chất lượng cao.

Mới đây, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã hướng dẫn chi tiết việc triển khai dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập.

Đây là cơ sở, là hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công lập dựa vào đó ban hành xây dựng giá khám chữa bệnh, giá kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh trên từng bệnh viện.

Sau khi Thông tư 13 được ban hành, với dải giá được Bộ Y tế cho phép thực hiện tối đa đến 500.000 đồng/lần khám, Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu để có thể áp dụng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện sẽ thực hiện không áp dụng đồng loạt giá cao, để người dân có quyền lựa chọn theo dải giá và có nhiều sự lựa chọn dành cho người dân đến chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.

"Thông tư 13 hết sức mở cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình, nhu cầu của người bệnh để xây dựng giá cho phù hợp ở từng bệnh viện, từng điều kiện cơ sở vật chất", ông Cơ bày tỏ.

Đây là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Nếu thực hiện được khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt ở tại các bệnh viện đặc biệt, bệnh viện lớn, chuyên khoa, đa khoa chuyên sâu, giữ chân người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, sẽ tiết kiệm nguồn lực tài chính lớn cho người dân và đất nước.

Thông tư có quy định cụ thể, đặc biệt cho phép cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công-tư, liên doanh-liên kết, hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài với các chuyên gia y tế nước ngoài để khám chữa bệnh cho người dân trong nước.

"Đây là điểm mới tạo điều kiện cho các bệnh viện vừa mời các chuyên gia nước ngoài khám chữa bệnh cho người dân, vừa đồng thời học được từ các kinh nghiệm các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ người bệnh tốt hơn", ông Cơ bày tỏ.

Khống chế không quá 20% giường dịch vụ

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Thông tư 13 lần này là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh. Đây là cơ sở pháp lý cho Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh, nhưng chỉ áp dụng ở đối tượng là người dân tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Thống nhất mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu ảnh 1

Giường dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TL)

Theo nội dung Thông tư, lãnh đạo các bệnh viện chỉ được phép cho các chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi dành 30% thời lượng làm việc để phục vụ vụ công tác khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn về cơ bản phải phục vụ khám chữa bệnh cho tất cả người dân.

Thông tư cũng yêu cầu rõ về việc giường phục vụ cho khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ được phép dưới 20%.

“Bệnh viện Bạch Mai đang rà soát kỹ về điều kiện tiêu chuẩn giường theo yêu cầu, yêu cầu các khoa không được vượt quá 20% giường bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đây là điểm các bệnh viện cần bám sát Thông tư vì nếu lợi dụng việc thực hiện quá chỉ tiêu cho phép trong Thông tư thì người bệnh không có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ có thiệt thòi”, ông Cơ nói.

Bên cạnh đó, khi những người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện không phải là bệnh nhân chuyển tuyến, họ không có nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu không được phân luồng, ép buộc khám chữa bệnh theo yêu cầu và được lựa chọn khám bệnh theo quy định đang có hiệu lực.

Trước đây, khi chưa có Thông tư 13, nhiều bệnh viện lạm dụng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Có những cơ sở, khoa phòng có tới 60-70% giường theo yêu cầu, buộc bệnh nhân buộc phải nằm giường dịch vụ với giá cao so với túi tiền người bệnh.

"Việc ban hành giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tạo cơ hội cho bệnh viện có nguồn lực tài chính để đãi ngộ, động viên cán bộ công nhân viên bệnh viện an tâm công tác, phục vụ người bệnh tốt hơn. Đây cũng là việc thực hiện được chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và phục vụ sức khỏe cho người dân, thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Bệnh viện có thể ký hợp tác công-tư hợp tác với nước ngoài để khám chữa bệnh trong nước tốt hơn", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.