Chậm giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài

Việc giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài vẫn còn chậm, xa với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, tiền đi vay không được sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng lên nợ công quốc gia và nghĩa vụ trả nợ sau này.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN

Thúc ép nhiều, giải ngân vẫn chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân bảy tháng kế hoạch năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%).

Trong đó vốn trong nước đạt 38,53% (cùng kỳ năm 2022 đạt 36,02%), vốn nước ngoài đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,9%).

Số liệu trên cho thấy, giải ngân vốn nước ngoài dù tăng lên nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa có nhiều tiến triển so với những năm trước đây.

Giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư công nguồn nước ngoài được Quốc hội phê duyệt là 300 nghìn tỷ đồng, trong đó được phép phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án là 270 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số vốn nước ngoài chưa được Quốc hội phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 33.120 tỷ đồng, trong đó bao gồm 9.781 tỷ đồng của các dự án đang hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhiệm vụ, dự án và 23.339 tỷ đồng của các dự án đang rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, dự án.

Tổng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2023 Quốc hội đã quyết nghị là 115.350 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 51.550 tỷ đồng, năm 2022 là 34.800 tỷ đồng, năm 2023 là 29.000 tỷ đồng).

Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 đạt 32,85%, năm 2022 đạt 45,45%. Tỷ lệ giải ngân này đều dưới 50% và là con số đáng báo động.

Có thể kể đến các dự án chậm giải ngân là Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; Dự án Phát triển các đô thị loại vừa - Lào Cai; Dự án Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Lâm Đồng (W/B8)...

Việc chậm giải ngân vốn nước ngoài là vấn đề nội tại đã kéo dài, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, uy tín của Chính phủ, hạn chế lợi ích kinh tế - xã hội từ dự án.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp được Bộ Tài chính đánh giá xuất phát chủ yếu từ lý do chủ quan. Trong đó tính sẵn sàng của các dự án thấp, như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm xác định giá đất đền bù và chậm xác định ranh giới giữa các hạng mục...; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ dân không chấp hành chế độ chính sách, mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích nhiều lần…

Vướng mắc trong công tác điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; thủ tục thiết kế, thẩm định, phê duyệt kéo dài, vướng mắc do điều chỉnh danh mục hàng hóa để bảo đảm tỷ lệ xuất xứ. Việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay là khá phổ biến, trung bình mỗi năm làm thủ tục khoảng 20-30 dự án hiệp định vay.

Bên cạnh đó có nguyên nhân từ phía nhà tài trợ và đặc thù của dự án sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài như chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ; mô hình các dự án ở giai đoạn trước đây của một số nhà tài trợ (như WB, ADB) phát sinh phức tạp trong triển khai các hoạt động dự án và giải ngân, thanh toán.

Chậm giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài ảnh 1

Dự án Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ.

Cấp thiết đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây đã gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài, với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch. Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo kế hoạch được giao và hiệu quả sử dụng vốn vay.

Các cơ quan chủ quản cần tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp không có khả năng giải ngân do vướng mắc trong thời gian dài, không thể giải quyết được, cần hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có khả năng thực hiện, giải ngân tốt hơn.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Hiện nay chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa còn dư địa khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công mà chúng ta hay nói “có tiền mà không tiêu được”. Vừa qua, Thủ tướng có nêu rõ mục tiêu giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay là phấn đấu đạt 95%. Về nợ công so với mức trần mà Quốc hội đề ra thì hiện nay dư địa còn lớn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực tính toán: Nếu chúng ta giải ngân hết 95% kế hoạch đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì chúng ta sẽ có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng.

Theo TS Cấn Văn Lực, đã đến lúc chúng ta cần có KPI cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo thì phải có chế tài. Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa, để bảo đảm mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm.

Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, điều kiện vay ngày càng kém ưu đãi trong điều kiện Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư còn lớn, thu ngân sách hạn hẹp, phải dựa vào vốn vay để đầu tư, thì yêu cầu về tính hiệu quả trong đầu tư phát triển càng phải được quán triệt sâu sắc sử dụng vốn vay. Do vậy, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án là một biện pháp quan trọng để tiền đi vay được sử dụng hiệu quả.