Các ý kiến đều cho rằng, cuốn sách có nội dung sâu sắc về lý luận và thực tiễn với cách tiếp cận vấn đề cụ thể rất dễ tiếp nhận, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng, đường lối mà Đảng ta đã, đang và sẽ triển khai. Những bài viết trong cuốn sách thể hiện rõ tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư về vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng tiêu cực.
Trong những năm qua, với tinh thần chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam đã tăng liên tục qua các năm. Ngày 31/1/2023, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố CPI năm 2022, 124 quốc gia không có tiến bộ trong chống tham nhũng; hơn 2/3 số quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi, ở mức 43.
CPI năm nay cho thấy, 124 quốc gia được đánh giá ở mức độ trì trệ, “dậm chân tại chỗ” trong chống tham nhũng, trong khi số quốc gia suy giảm đang gia tăng. Đáng chú ý tại bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), điều này cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với những thành tựu ấn tượng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam 10 năm qua đã được các tầng lớp nhân dân trong nước và ở nước ngoài đồng tình ủng hộ, nhiều chính khách, học giả nước ngoài ghi nhận, bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao.
Ngài Kamal Malhotra, đại diện thường trú của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý”. Đài Bắc Kinh đánh giá: “Cường độ chống tham nhũng của Việt Nam là chưa từng có. Đối với một số vụ án tham nhũng lớn và quan trọng, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ đạo và giám sát điều tra…”.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) trong “Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2019” (GCB) đã đánh giá: “Bên cạnh việc Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá rất cao công cuộc lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới” v.v…
Đây chính là minh chứng cho luận điểm mà Tổng Bí thư đã viết trong cuốn sách, đó là: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”.
Chính vì thế không có gì lạ khi thời gian gần đây các đối tượng thù địch, chống phá, thiếu thiện chí ra sức phủ nhận quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời đưa ra luận điệu xuyên tạc cho rằng độc đảng là nguồn gốc sinh ra tham nhũng, do đó Việt Nam không thể chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì phải đa đảng. Cần thấy rằng thể chế chính trị của mỗi quốc gia trên thế giới do lịch sử và người dân của quốc gia đó lựa chọn và quyết định.
Để chống tham nhũng hiệu quả không phụ thuộc vào việc có một hay nhiều đảng. Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư viết: “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) “là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”. Vì vậy, các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả”.
Từ đây cho thấy rằng tham nhũng không phải do cơ chế một đảng. Chưa kể, khi xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, các luận điệu xuyên tạc cho rằng tham lam là bản chất của con người, vậy mà chỉ dùng hô hào suông về đạo đức thì sẽ không thể chống được tham nhũng. Song nếu nhìn thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam suốt những năm qua không khó để nhận thấy nhiệm vụ này đã được triển khai trên diện rộng với nguyên tắc vào cuộc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” từ Trung ương tới cơ sở, từ khu vực công sang khu vực tư…
Trong 10 năm qua (2013-2023) đã có 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương) đã bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý. Thực tế này cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực hiện trên nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các sai phạm bằng kỷ luật Đảng, bằng pháp luật của Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao giáo dục và rèn luyện đạo đức để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng không phải đến nay mà đã từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là: ĐỨC và TÀI.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết. Kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác, chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi.
Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Cụ thể, việc “gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, “không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”; “khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực”…
Không chỉ đề cao giáo dục đạo đức, Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định cần “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Ngay ở những trang mở đầu của cuốn sách, tác giả đã viết: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”.
Đây chính là quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, hiệu quả chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc rằng Đảng và Tổng Bí thư chỉ hô hào chung chung về đạo đức. Những nội dung được người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam gửi gắm trong cuốn sách này không chỉ là thông điệp tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân mà còn là thông điệp và cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam.