Thông báo kết quả kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NDO - Chiều 2/8, Đoàn kiểm tra số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thông báo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra, chủ trì Hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, Phó trưởng Đoàn Kiểm tra; Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ghi nhận của Đoàn Kiểm tra, 10 năm qua (2011-2021), Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp Đảng ủy cơ quan Bộ tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành; ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kê khai tài sản, thu nhập, công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ban hành kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, trong đó có công tác phát hiện, giải quyết nguồn tin tội phạm và giám định, định giá tài sản.

Đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tiến hành thanh tra (thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành) và ban hành 3.434 kết luận thanh tra. Trong số 1.065 đơn thư khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận, 78 đơn thuộc thẩm quyền được xử lý đúng quy định, 987 đơn được hướng dẫn gửi đến cơ quan chức năng giải quyết. Trong số đơn tố cáo, có 28 đơn được coi là nguồn tin báo, tố giác có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Bộ đã xếp lưu 25 đơn, xem xét, kiểm tra nội dung một số đơn và chuyển các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Về công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 46 quyết định cử giám định viên tư pháp; tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định tư pháp đối với 49 vụ việc. Kết quả, đã thực hiện xong 41/49 quyết định trưng cầu giám định lần đầu; kết luận đúng thời hạn 21/41 vụ việc…

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc quán triệt, phổ biến các văn bản của Đảng, quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực được kiểm tra chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là ở cấp đơn vị, đảng ủy, chi bộ trực thuộc; việc lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng chưa sâu sát, chưa quyết liệt; một số vụ việc, vụ án giám định chưa kịp thời; còn có trường hợp giám định viên từ chối giám định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, cũng như việc triển khai hai nội dung về giải quyết nguồn tin tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản. Trong thời gian thực hiện kiểm tra, Ban Cán sự Đảng và các đơn vị thuộc diện kiểm tra đã có sự phối hợp hiệu quả, tích cực, cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu và có báo cáo, giải trình cụ thể theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra, góp phần tạo điều kiện hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, công tác tự kiểm tra trong nội bộ, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và công tác giám định, định giá tài sản.

Bộ cần quan tâm rà soát, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền và tham mưu ban hành các văn bản pháp luật nhằm hạn chế sơ hở, bất cập có thể lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực và gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhân dân.

Cùng với đó, Bộ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực, dự án đầu tư dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm; chú ý một số lĩnh vực như đấu thầu mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, giao thông...; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán, các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo; tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kiến nghị để báo cáo Ban Chỉ đạo.