Nhiều thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Dù liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhưng gần đây, số vụ, số người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn tăng cao.

Thực tế, xảy ra tình trạng này không chỉ do một bộ phận người dân còn nhẹ dạ, thiếu hiểu biết mà vì thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi.

Tại địa bàn TP Hà Nội, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, xuất hiện các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng, trong nội dung các tin nhắn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo (có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng). Nhiều người cả tin muốn nhận quà "lì xì" đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, lô-gô tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân. Bằng phương thức, thủ đoạn này, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản. Trước thực trạng nêu trên, Công an TP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn từ ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Các trang web chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn), các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top)... đều là giả mạo. Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.

Liên quan các hành vi lừa đảo mới qua mạng xã hội, cuối năm 2020, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá ba ổ nhóm lừa đảo qua mạng xã hội khiến hàng nghìn người trở thành nạn nhân. Theo hồ sơ điều tra vụ án, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của anh C (trú tại xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) về việc tài khoản facebook "Tuyết Trần" (bạn học cấp 3, đang ở Nhật Bản) nhắn tin nhờ nhận hộ năm triệu đồng. Anh C nhờ em gái là chị O cung cấp tài khoản ngân hàng để nhận tiền; sau đó, điện thoại chị O nhận được tin nhắn hướng dẫn truy cập một đường link và được một người đàn ông tự xưng nhân viên ngân hàng gọi điện hướng dẫn xác thực việc nhận tiền; chị O làm theo và chỉ ít phút sau phát hiện tài khoản bị trừ hơn 25 triệu đồng. Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi; Công an quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Ðội Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ðội Cảnh sát hình sự đã làm rõ Trần Ðạo Nghĩa (SN 1999, trú tại tỉnh Quảng Trị) là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị O. Qua rà soát, Ðội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện Trần Ðạo Nghĩa đang lẩn trốn ở một nhà nghỉ tại thị xã Quảng Trị nên đã phối hợp Công an thị xã Quảng Trị kiểm tra hành chính. Qua đó, phát hiện, đưa tám đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan việc chiếm đoạt tài sản về trụ sở công an để đấu tranh, làm rõ.

Căn cứ tài liệu điều tra và đấu tranh với các đối tượng, cơ quan công an xác định, tám đối tượng này quen biết nhau và đã hướng dẫn, "truyền dạy" nhau cách thức lừa đảo nhưng thực hiện riêng lẻ, nhóm này không liên quan nhóm kia. Công an đã làm rõ, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng là thông qua một website nước ngoài để tạo đường link có tên gọi thể hiện việc chuyển tiền, xác nhận việc làm và liên kết với email của các đối tượng. Sau đó gửi đường link đến tài khoản facebook khác ngụy trang lý do nhờ "like" (thích) nội dung trong đường link hoặc lập nhiều tài khoản facebook giả và lập fanpage "Tuyển Nhân Viên-CTV-Trên Toàn Quốc" đăng bài tuyển người làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng kèm đường link; khi truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp, thông tin đăng nhập của tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng sẽ được gửi về email liên kết để các đối tượng đổi mật khẩu, chiếm quyền quản trị. Khi có thông tin tài khoản facebook, các đối tượng giả danh chủ tài khoản gửi tin nhắn đến bạn bè tài khoản facebook bị chiếm quyền nhờ nhận tiền hộ; rồi giả danh nhân viên ngân hàng cung cấp đường link giả mạo việc nhận tiền, yêu cầu người bị hại truy cập đường link và cung cấp mã OTP với lý do xác thực giao dịch để thực hiện việc chuyển tiền của người bị hại đến tài khoản ngân hàng của các đối tượng (tài khoản ngân hàng được các đối tượng mua lại thông qua mạng xã hội).

Ngoài ra, các đối tượng trong ổ nhóm nêu trên còn có "chiêu trò", đăng tin tuyển việc làm, khi có người liên hệ xin việc, nhóm này yêu cầu truy cập đường link và cung cấp mã OTP để trả lương qua tài khoản ngân hàng; từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại… Qua điều tra, bước đầu Công an quận Nam Từ Liêm xác định, chỉ trong khoảng thời gian một tháng, các đối tượng đã chiếm đoạt khoảng hai tỷ đồng của gần 4.000 tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng đã chi tiêu cá nhân, sử dụng ma túy, đánh bạc trên mạng và trả tiền thuê nhà nghỉ.

Theo Công an TP Hà Nội, để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân/bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra (qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call) hoặc kiểm tra "thử" bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.

Gia Hân