Ngăn chặn vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Thời gian qua, các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu diễn ra hết sức khó lường và có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Trong đó, đáng ngại là tình trạng pha chế, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng,... làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại nặng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thất thu ngân sách nhà nước và xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Ðội Quản lý thị trường số 5 (bộ phận Phú Lương) kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp Xăng dầu Mạnh Hùng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Ảnh: PHAN TRANG
Ðội Quản lý thị trường số 5 (bộ phận Phú Lương) kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp Xăng dầu Mạnh Hùng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Ảnh: PHAN TRANG

Những thủ đoạn ngày càng tinh vi, bất chấp các quy định của pháp luật nhằm kiếm lời bất chính của một số đối tượng đòi hỏi lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường phải có kế hoạch đấu tranh quyết liệt, nhằm ngăn chặn tình trạng này, góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh, an toàn.

Còn nhiều vi phạm

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra hơn 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý 240 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, vào tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp xăng dầu Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đã bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên xử phạt và buộc thu hồi số lợi nhuận bất chính gần 550 triệu đồng, tước quyền kinh doanh xăng dầu trong thời gian hai tháng, thu hồi 11.190 lít xăng Ron 95 III do buôn bán hàng hóa có chất lượng không hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cũng đã tiến hành kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Công Minh và xử phạt cơ sở này về hành vi kinh doanh xăng Ron 95 III có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, với tổng mức phạt gần 300 triệu đồng. Không chỉ kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, vừa qua lực lượng chức năng tỉnh Ðồng Nai đã triệt phá đường dây nhập lậu xăng, điều chế làm xăng giả với số lượng rất lớn lên đến gần 200 triệu lít. Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập nhiều công ty vận chuyển, mua bán xăng dầu ở nhiều địa phương trên cả nước; sử dụng cả tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ nước ngoài về phao số 0 rồi vận chuyển vào đất liền, dùng các loại dung môi hóa chất pha chế lại thành xăng Ron 95 kém chất lượng để tiêu thụ trên thị trường. Ðến nay, Công an tỉnh Ðồng Nai đã thu giữ gần 2,7 triệu lít xăng giả, tàu biển, sà-lan, xe bồn, hóa chất tạo mầu cùng hơn 100 tỷ đồng và khởi tố hơn 70 bị can nằm trong đường dây này.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hiện nay việc mua bán các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng, nếu các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu sẽ rất dễ thực hiện. Khó khăn ở chỗ, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước tương đối đầy đủ trong vấn đề chống hàng giả, tuy nhiên, lại thiếu những văn bản cụ thể xác định thế nào là xăng dầu giả, kém chất lượng,... Cơ quan quản lý thị trường cũng chưa được cấp thiết bị, máy móc để kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, thiếu kho bồn chuyên dụng chứa xăng dầu vi phạm. Do vậy, khi kiểm tra, tạm giữ cơ bản, phải đi thuê kho, thậm chí lại giao cho doanh nghiệp tự bảo quản, dẫn đến khó kiểm soát, gây thất thoát và khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.

Ðại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, qua thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đã phát hiện và xử lý hàng loạt vi phạm như cố ý tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo, làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện để làm sai lệch kết quả đo (điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép). Có những trường hợp không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu, bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thậm chí bán xăng dầu nhập lậu. Tình trạng nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm, khâu quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm,… nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Ngăn chặn vi phạm trong kinh doanh xăng dầu -0

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở xã Vọng Ðông (huyện Thoại Sơn, An Giang). Ảnh: TỔNG CỤC QLTT 

Kiểm soát chặt thị trường

Tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh khẳng định, để kiểm soát và bảo đảm chất lượng xăng dầu trên thị trường, Tổng cục đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Qua đó, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng. Ngoài ra, vận động quần chúng nhân dân tố giác những đối tượng, cửa hàng xăng dầu có nghi vấn nhằm ổn định trật tự trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng dầu lậu nếu không phải chịu các loại thuế phí đã "ăn không" được khoảng 6.000 - 7.000 đồng. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ khoảng 60-70%, số còn lại phải nhập khẩu và đây là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm, nhập lậu, pha chế sản phẩm kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Ðiều này gây thất thu cho ngân sách rất lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát các doanh nghiệp phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và quản lý thị trường nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Có thể thấy, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, các đơn vị liên quan như Thuế, Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

KHÔI ÐỨC