Thỏa thuận xanh

Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 9 vừa khép lại tại Senegal với tuyên bố mang tên Thỏa thuận xanh (Blue Deal), trong đó kêu gọi bảo đảm tiếp cận nguồn nước và vệ sinh cho mọi người, huy động nguồn tài chính phù hợp và quản trị toàn diện trong lĩnh vực nước.

Với 95% hoạt động trồng trọt phụ thuộc vào lượng mưa, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều rủi ro lớn đối với nông nghiệp tại châu Phi. (Ảnh: Reuters)
Với 95% hoạt động trồng trọt phụ thuộc vào lượng mưa, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều rủi ro lớn đối với nông nghiệp tại châu Phi. (Ảnh: Reuters)

Nguồn nước ngày càng khan hiếm, việc tăng cường quản lý và hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này là trách nhiệm toàn cầu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nước là chủ đề xuyên suốt, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Diễn đàn thế giới bàn về vấn đề nước cũng là thảo luận về bảo vệ khí hậu và thiên nhiên, các nguồn năng lượng, nguồn cung thực phẩm, cũng như bảo đảm an ninh, giảm bất bình đẳng xã hội. Tình trạng thiếu và ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa đẩy các hệ thống thực phẩm nông nghiệp chính trên thế giới đến nguy cơ đứt gãy, bởi nông nghiệp là ngành chiếm khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước ngọt toàn cầu. Hầu hết các nước châu Phi không đủ nước để canh tác. Khoảng 3,2 triệu người sống ở các vùng nông nghiệp đối mặt rủi ro do khan hiếm nước, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và phát triển bền vững. 

Với chủ đề “An ninh nước vì hòa bình và phát triển”, Diễn đàn Nước thế giới lần này muốn tạo động lực hành động mạnh mẽ hơn nhằm góp phần thiết thực hỗ trợ chuyển đổi và nâng cao đời sống của người dân ở những khu vực khó khăn vì khan hiếm nước.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)  chỉ ra rằng, khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường xuyên, trong đó hơn 733 triệu người ở các nước có nguy cơ cao và đặc biệt cao. Chỉ 58% người dân châu Phi có thể tiếp cận nguồn nước an toàn. Việc sử dụng nước chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra tới 70%-80% số đợt dịch bệnh tại châu Phi. Trong khi đó, biến đổi khí hậu càng đẩy nguy cơ khủng hoảng nước lên cao. Hơn 100 triệu người hiện phải sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, hoặc nước không bảo đảm chất lượng.

Giải quyết tình trạng khan hiếm nước là vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia, song cách xử lý ở mỗi nước rất khác nhau, tùy thuộc điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội. Điều này lý giải nguyên nhân việc sở hữu nhiều nguồn tài nguyên nước không đồng nghĩa việc có tỷ lệ cao người dân được tiếp cận dịch vụ nước sạch.

Ở nhiều quốc gia, tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh nguồn nước và tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng tại các khu vực tây và đông châu Phi. Tình trạng thiếu đầu tư vào thủy lợi và nông nghiệp phụ thuộc vào lượng mưa đã khiến hơn một triệu người phải đối mặt nạn đói nghiêm trọng trong các đợt hạn hán kéo dài.

Trong bối cảnh đó, hợp tác xuyên biên giới trong quản lý nguồn nước đóng vai trò thiết yếu, nhất là ở châu Phi, nơi 90% lượng nước mưa có thể được lưu trữ tại các khu vực nằm ở biên giới các nước. Việc chia sẻ những dữ liệu về nước thông qua các sáng kiến toàn cầu được coi là chìa khóa giúp theo dõi hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu đối với vòng tuần hoàn nước, giúp các nước quản lý tài nguyên nước.

Theo các chuyên gia, các biện pháp chính sách có trọng tâm và các thể chế hoạt động hiệu quả hơn đóng vai trò quan trọng để bảo đảm sử dụng nước bền vững. Sự tham gia của toàn dân là cần thiết để tiến tới cuộc chuyển đổi trong khai thác và sử dụng nước.

Thỏa thuận xanh nhằm thúc đẩy triển khai quyền sử dụng nước sạch và vệ sinh cho mọi người thông qua việc cung cấp các khung pháp lý phù hợp. Tuyên bố kêu gọi áp dụng các kế hoạch quản lý sử dụng nước đồng bộ và bền vững để bảo vệ nguồn tài nguyên nước và hệ sinh thái, bảo đảm khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và áp lực về nhân khẩu học. Quản lý tốt nguồn nước không chỉ là vấn đề an sinh xã hội mà còn là nhân tố không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ■