Thái Nguyên:

Thỏa thuận bồi thường, khai thác đất san lấp gặp khó

NDO - Luật Đất đai hiện hành quy định, đất san lấp cũng là một loại khoáng sản, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải thỏa thuận bồi thường với người dân có quyền sử dụng đất. Rất nhiều trường hợp người có quyền sử dụng đất “đòi” bồi thường quá cao, doanh nghiệp đành “bó tay”, hoặc cả hai đều vi phạm quy định. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều mong muốn tháo gỡ vướng mắc này khi sửa đổi Luật Đất đai.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Phú Cường phải dừng khai thác mỏ đất vì không giải phóng được mặt bằng.
Công ty Phú Cường phải dừng khai thác mỏ đất vì không giải phóng được mặt bằng.

Ngày 17/7/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2181/GP-UBND cho phép Công ty Phú Cường khai thác mỏ đất Tân Hòa, tại xã Tân Hòa, huyện Phú Bình với diện tích 15ha, tại 6 khu vực điểm mỏ với trữ lượng gần 600 nghìn m3, công suất khai thác 46 nghìn m3/năm.

Tuy nhiên, sau khi thăm dò, đánh giá trữ lượng, trúng đầu thầu, Công ty Phú Cường gặp rất nhiều khó khăn về thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, mặc dù diện tích được cấp phép khai thác lớn, nhưng những năm qua doanh nghiệp chỉ thỏa thuận bồi thường, được tỉnh cho thuê đất gần 2.700m2.

Nhiều hộ dân trong khu vực quy hoạch mỏ đất Tân Hòa đã nhận tiền bồi thường, đồng ý cho khai thác đất đồi, khai thác đất xong trả lại mặt bằng để người dân tiếp tục canh tác. Cụ thể, người dân chỉ đồng ý cho khai thác đất đồi mà không giao “Sổ đỏ”, Công ty Phú Cường không thể làm các thủ tục để được thuê đất, giao đất vào mục đích khai thác vật liệu san lấp.

Người dân đã nhận tiền bồi thường, đồng ý cho khai thác đất, sẵn máy xúc, ô-tô, Công ty Phú Cường tiến hành khai thác đất trong khi không thể làm được các thủ tục giao đất, cho thuê đất dẫn đến cả người dân và doanh nghiệp đều sai phạm. Cụ thể, người dân không làm các thủ tục để Nhà nước thu hồi đất, nhưng cho khai thác, làm biến dạng hiện trạng; doanh nghiệp khai thác khi chưa Nhà nước giao đất, cho thuê đất nên bị phạt, buộc phải dừng hoạt động từ nhiều tháng nay, trong khi trên địa bàn huyện rất thiếu đất làm vật liệu san lấp.

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình nhiều lần phản ánh, với quy định doanh nghiệp phải thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó chính quyền thu hồi, giao đất, cho thuê nên rất khó cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến người dân có quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đều vi phạm, Nhà nước thất thoát nguồn thu, công trình, dự án thiếu đất san lấp, ảnh hưởng phát triển kinh tế địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhiều mỏ đất đều đang khai thác theo kiểu “xôi đỗ”, mặt bằng bị đào bới nham nhở, ô nhiễm môi trường, thậm chí mất an toàn cho người dân, chăn nuôi gia súc, vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không thực hiện được.

Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh cho biết, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch gần 70 mỏ đất làm vật liệu san lấp, nhưng để có đủ điều kiện đưa vào khai thác thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó hầu hết các công trình, dự án trên địa bàn rất thiếu vật liệu san lấp. Nguyên nhân chủ yếu là quy trình, thủ tục rất nhiều, nếu nhanh thì cũng phải 18 tháng mới hoàn thiện. Mặt khác, khi đã thực hiện xong quy trình, thủ tục mà doanh nghiệp không thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng được thì cũng không thể đưa mỏ đất đi vào hoạt động được.

Tại các Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, người dân, hội, đoàn thể đối với việc sửa đổi Luật Đất đai do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tổ chức, nhiều ý kiến phát biểu đề nghị đối với mỏ khoáng sản, nhất là mỏ đất làm vật liệu san lấp, cần quy định Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, sau đó tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, tạo thuận lợi cho các chủ thể liên quan, tăng thu cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.