Các ngả đường dẫn về khu di tích đồi A1, đồi F vẫn kín người. Từng tốp, từng tốp, dòng người đi trong lặng lẽ và khéo léo nhường đường các cựu binh - những người lính năm xưa tuổi nay tóc bạc, da mồi, bước chân run run…
Trong niềm xúc động rưng rưng, ông Phạm Thanh Ngân, cựu chiến sĩ Điện Biên kể cho chúng tôi về những ngày tháng gian nan mà thế hệ chiến sĩ Điện Biên các ông đã không tiếc máu xương trên khắp chiến trường. Giọng trầm ấm, ông Ngân kể: Cuối năm 1953, sau khi việc bố phòng các vị trí quân sự ở thung lũng Mường Thanh về cơ bản đã hoàn thiện, Bộ Chỉ huy Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ nhận rõ, đồi F sẽ bảo vệ rất hiệu quả cho A1. Chính vì vậy, người Pháp bố trí rất nhiều chướng ngại vật như hàng rào dây thép gai đan xen các loại mìn, hệ thống hỏa lực bắn chéo, lướt sườn kết hợp với hỏa lực chính diện, hệ thống hỏa mai, pháo dù... Ban ngày, thường xuyên có cả trung đội từ cứ điểm A1 và cứ điểm C2, thay nhau ra cảnh giới cho đồi F. Cùng với đồi A1, đồi F là một trong các điểm cao quan trọng nhất của dãy đồi phía Đông, có tác dụng che sườn cho phân khu Đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ cho khu trung tâm Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ. Với quân ta, nếu chiếm được đồi F thì nơi đây có thể dùng làm trận địa hỏa lực, đặt trung liên, đại liên, DKZ trực tiếp uy hiếp liền lúc 3 cứ điểm: Al, C1, C2, phong tỏa cả bên sườn và chính diện trận địa Pháp về phía Đông, bảo đảm chi viện cho bộ binh xung phong.
Tiểu đoàn 255 (trung đoàn 174, đại đoàn 316) được giao nhiệm vụ trong trận đánh đêm 30/3/1954, khống chế địch trên đồi A1. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đôn Tự, quân ta bố trí một đại đội trợ chiến tăng cường trên đồi Cháy, trực tiếp uy hiếp đỉnh đồi A1 và xây dựng trận địa vững chắc trên đồi F, tạo thành lưới lửa hỏa lực thật mạnh hỗ trợ cho những chiến sĩ phòng ngự tại A1 nếu bị địch tiến đánh. Ngay trong đêm đầu tiên, tiểu đoàn 255 nhanh chóng cắm chốt và bố trí hỏa lực tại đồi Cháy và đồi F, sẵn sàng bảo vệ cho trận địa trên đồi A1. Địch liên tục phản công hòng chiếm lại đồi F, nhưng những luồng đạn liên thanh chát chúa từ đồi Cháy và đồi F kết hợp với đạn súng cối và mưa lựu đạn của các chiến sĩ bám trụ, đã bẻ gãy những đợt xung phong của địch. Tuy nhiên, trận địa của ta trên đồi F thấp hơn đồi A1 và C1, nên thường xuyên phải chịu những hỏa lực bắn thẳng, bộ đội ta gọi đồi F là “tử địa” cũng vì thế.
Sau 38 ngày đêm giao tranh ác liệt với nhiều trận đánh, quân đội ta đã làm chủ hoàn toàn đồi F vào rạng sáng ngày 7/5/1954 và liên tiếp chiến thắng tại các cứ điểm khác, để đến chiều ngày 7/5/1954 quân đội ta toàn thắng trên chiến trường…
Đã 68 mùa xuân đi qua, hôm nay những người lính năm xưa như ông Ngân, ông Điềm, ông Bảy và rất nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên mới phần nào nguôi ngoai niềm thương nhớ. Đồng đội của các ông, họ còn rất trẻ, họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này…
Nén niềm xúc động trào dâng, bà Nguyễn Thị Thìn, con gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Riện, hy sinh ngày 28/2/1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nghẹn ngào: Cha ông chúng tôi đã cùng các bác, các cô, các chú với bao thế hệ người Việt Nam dâng trọn tuổi thanh xuân và xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Được dự lễ khánh thành Đền thờ hôm nay, tôi vô cùng xúc động khi thấy chân linh các liệt sĩ, những người thân của gia đình chúng tôi và biết bao gia đình liệt sĩ được hiển linh, hội tụ trong đền thờ khang trang này. Điều đó càng thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước, những tình cảm tri ân sâu sắc của các cấp, các ngành, những thế hệ con cháu người Việt Nam hôm nay đối với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong sáng 18/5, dưới cơn mưa tầm tã, tôi đã thấy những khóe mắt ngân ngấn lệ, những tiếng nấc nghẹn ngào của rất nhiều cựu binh khi chứng kiến lễ khánh thành công trình Đền thờ liệt sĩ - công trình được bắt đầu từ nguyện ước tri ân và tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ, những người con, người em của anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên…