Gia đình ông Tuncay Yuksel, chủ một cửa hàng đồ cũ ở thủ đô Ankara, đã phải loại bỏ thịt và sữa khỏi danh sách đi chợ do giá cả tăng vọt kể từ đầu năm nay. Ông lo lắng cho biết, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ, trong khi ví tiền không dày thêm khiến gia đình ông buộc phải tiết giảm mua sắm, dù đó là những loại thực phẩm cần thiết cho bữa cơm hằng ngày. Cùng cảnh ngộ với ông Tuncay Yuksel, bà Fatma Eren, một người nội trợ, cho biết giá thực phẩm tăng chóng mặt buộc bà phải thắt chặt hầu bao, ưu tiên lựa chọn loại rẻ hơn dù biết rằng "tiền nào của nấy".
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu xã hội Yoneylem có trụ sở tại thành phố Istanbul cho thấy, hơn 53% số người Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi cho biết, chi phí hằng ngày của họ không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi 69,3% đang phải vật lộn với giá thực phẩm tăng vọt.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ công bố, tỷ lệ lạm phát của nước này đã lên tới 80%, mức cao nhất trong 24 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng gần đây tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, trong đó chi phí vận tải tăng mạnh nhất ở mức 105,9%, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89,1%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cơn bão lạm phát lan rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ là tình trạng đồng lira mất giá. Tỷ giá đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD giảm tới 44% vào năm 2021, lại tiếp tục "rơi tự do" 11% trong năm nay. Đồng lira yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu năng lượng và hàng hóa tăng cao, khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, vốn từng được đánh giá là mới nổi và đầy hứa hẹn. Bên cạnh đó, giá dầu diesel ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng liên tục cũng "tiếp tay" đẩy chi phí sinh hoạt leo thang, trong bối cảnh quốc gia này dễ bị tổn thương trước các biến động về giá cả do phải nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng.
Công ty nhập khẩu năng lượng BOTAS trực thuộc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng 50% giá khí đốt đối với các cơ sở công nghiệp, 35% với các hộ gia đình và 4,3% trong lĩnh vực sản xuất điện. BOTAS lý giải giá năng lượng toàn cầu tăng là nguyên nhân bất khả kháng khiến công ty phải tăng giá. Số liệu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, chi phí năng lượng đã tăng lên mức 212% trong hai tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối nhiên liệu ở Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Direkci bày tỏ quan ngại rằng, giá nhiên liệu tăng cao cũng khiến chi phí sản xuất nhiều loại hàng hóa, nhất là thực phẩm, tăng mạnh.
Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi nhiều biện pháp khẩn cấp, thậm chí là chưa từng có nhằm ngăn chặn lạm phát, giúp người dân ổn định cuộc sống. Để ngăn đồng nội tệ tiếp tục trượt giá, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh mua vào đồng lira, đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất tiêu chuẩn ở mức 14% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tăng lương tối thiểu lên 5.500 lira (khoảng 300 USD) để hỗ trợ hàng triệu người lao động, đồng thời trợ cấp giá 25% đối với các loại thực phẩm thiết yếu như bột mì, dầu ăn và thịt.
Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (R.Éc-đô-gan) cũng trích 30 tỷ lira từ ngân sách để xóa nợ cho 6 triệu người lao động có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khoản nợ được xóa gồm hóa đơn điện, khí đốt, nước và cước điện thoại. Ankara cũng sửa đổi quy định về mức sống, theo đó nâng quy chuẩn nghèo đối với gia đình bốn người là thu nhập 22.280 lira/tháng và chi tiêu thực phẩm tối thiểu 6.839 lira mỗi tháng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời buổi lạm phát tăng cao, với quy chuẩn mới này, có tới 90% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ.
Vật lộn với cơn bão giá là tình cảnh chung của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trấn an người dân rằng, chính phủ của ông sẽ làm mọi việc có thể để giúp họ sớm vượt qua "cơn bĩ cực" lạm phát.