Thổ cẩm của đồng bào Mạ

Dù không còn đáng giá bằng cả gia tài như xưa, nhưng trong quan niệm của người Mạ, thổ cẩm vẫn giữ một ý nghĩa to lớn. Những chiếc chăn, bộ váy được làm bằng loại vải dệt thủ công truyền thống được các thế hệ người Mạ cất giữ cẩn thận, chờ đến dịp lễ hội hay nhà có khách quý... mới đem ra dùng.
0:00 / 0:00
0:00
H’Nhàn - thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bà ngoại H’Bạch và mẹ H’Bình - đã dệt thành thục thổ cẩm dân tộc Mạ khi đang còn là học sinh.
H’Nhàn - thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bà ngoại H’Bạch và mẹ H’Bình - đã dệt thành thục thổ cẩm dân tộc Mạ khi đang còn là học sinh.

Hiểu được ý nghĩa, giá trị văn hóa ấy, nghệ nhân H’Bạch, 73 tuổi, ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã ra sức bảo tồn, truyền dạy cho con gái H’Bình và cháu ngoại H’Nhàn tiếp nối truyền thống nghề dệt của đồng bào mình.

Từ bà H’Bạch, con gái H’Bình đến cháu ngoại H’Nhàn, nghề dệt đã trở thành sợi dây vô hình kết nối ba thế hệ. Quan trọng hơn, cũng nhờ sự duy trì nghề này, gia đình bà H’Bạch không chỉ có thu nhập ổn định, mà những nét văn hóa truyền thống dân tộc của người Mạ tiếp tục được lớp người kế cận gìn giữ, phát huy.

Sản phẩm thổ cẩm của người Mạ đã có mặt trong các lễ hội, tại các hội chợ triển lãm và các gian hàng trong nước và thế giới. Hiện chị H’Bình làm Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Đắk Nia, là một trong bảy nghệ nhân dệt thổ cẩm của tỉnh Đắk Nông.

Thổ cẩm của đồng bào Mạ ảnh 1

Ba thế hệ của một gia đình người Mạ ở Đắk Nông đã lưu giữ, trao truyền, nối dài sợi chỉ thổ cẩm của dân tộc mình.

Thổ cẩm của đồng bào Mạ ảnh 2

Nghệ nhân H’Bình (thứ ba từ bên phải qua) thành công trong việc bảo tồn và quảng bá thổ cẩm của người Mạ.