Bài toán nan giải trong việc phân phối nguồn cung dầu eo hẹp
Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến cho dòng chảy dầu trên thế giới có những sự thay đổi nhất định. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn là một nhà sản xuất dầu lớn, tuy nhiên, năng lực dự phòng của nhóm cũng có giới hạn và rất khó có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.
Nếu như trước đây, Nga là một đối tác thương mại lớn của khu vực châu Âu, thì hiện nay, Nga đã phải tiến hành đa dạng hóa khách hàng và tập trung nhiều hơn cho khu vực châu Á. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận của châu Âu và việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ là sức ép lớn và có thể buộc nước này phải cắt giảm sản lượng dầu, trong bối cảnh số lượng người mua giảm bớt, và khó có thể bảo đảm đủ số lượng tàu để chở dầu.
Không chỉ Nga, sản lượng của OPEC cũng đang giảm khiến cho các nhà tiêu thụ phải tìm đến một cái tên khác, đó chính là Mỹ. Quốc gia này hiện đã xuất khẩu một lượng dầu thô và nhiên liệu kỷ lục vào tuần trước, ngay cả khi Bờ Đông phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt cả dầu diesel và xăng.
Báo cáo tuần mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, tổng số lô hàng xuất khẩu xăng dầu đạt 11,4 triệu thùng mỗi ngày, xuất khẩu xăng và dầu diesel tăng lên mức cao nhất trong hai tuần. Đồng thời, dự trữ nhiên liệu của Mỹ đang ở mức thấp lịch sử theo mùa.
Giá nhiên liệu quá cao và thị trường toàn cầu thiếu hụt đến mức các các công ty sản xuất dầu có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài thay vì cung cấp cho thị trường trong nước. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến cho giá nhiên liệu ở Mỹ không hạ nhiệt quá nhiều dù nước này sở hữu sản lượng lớn.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các biện pháp hạn chế xuất khẩu để tăng cường nguồn cung trong nước. Theo phân tích của Wood Mackenzie, người tiêu dùng Mỹ có thể tiết kiệm 5 tỷ USD chi phí xăng dầu, tuy nhiên sẽ làm tăng chi phí thêm 2 tỷ USD cho các đối tác thương mại châu Âu.
Rủi ro từ cả hai phía cung cầu
Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong ngắn hạn vẫn dồi dào do tình trạng nguồn cung bị thắt chặt vẫn chưa được giải tỏa. Rủi ro phía tiêu thụ còn có thể tăng lên nếu nhu cầu từ Trung Quốc khôi phục khi các nhà chức trách nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Trong dài hạn, nhu cầu tiêu thụ của thế giới có xu hướng giảm trước nguy cơ nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tạo ra những thách thức không nhỏ với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc đồng USD mạnh hơn nhanh chóng cũng khiến cho đồng tiền của các nền kinh tế khác suy yếu, điều này đồng nghĩa với việc giá hàng hóa, đặc biệt là năng lượng bị đẩy lên cao.
Vì hầu hết các loại dầu được giao dịch trên khắp thế giới đều được thanh toán bằng USD, nên khi đồng bạc xanh tăng giá, hóa đơn nhập khẩu cho các mặt hàng dầu thô và nhiên liệu này sẽ càng cao, ngay cả khi giá dầu thay đổi không đáng kể.
Các ngành công nghiệp tại châu Âu bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên và điện tăng vọt đã kéo theo chi phí vận hành cho tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất thép và sản xuất ô-tô đến dệt may và quần áo đều tăng.
Các nhà sản xuất đang phải cắt giảm, đóng cửa hoặc di dời sản xuất, và có nguy cơ không bao giờ mở cửa trở lại. Điều này làm xói mòn khả năng cạnh tranh của EU trên thị trường quốc tế, bao gồm cả trong các ngành công nghiệp quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như lĩnh vực kim loại.
Ngân hàng Thế giới mới đây công bố dự báo giá năng lượng sẽ giảm 11% vào năm 2023, sau khi tăng 60% trong năm nay do các xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất, ngân hàng này đã dự đoán giá dầu thô Brent trung bình là 92 USD/thùng vào năm 2023, giảm xuống 80 USD vào năm 2024 nhưng cao hơn nhiều so mức trung bình 5 năm là 60 USD.