Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này, chúng ta bàn việc thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát dịch bệnh. Việc lãnh đạo, chỉ đạo là phải tập trung thống nhất, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương. Rút kinh nghiệm vừa qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, tập trung nhưng cách làm mỗi nơi một kiểu. Ngay trong một địa phương, tỉnh chỉ đạo một kiểu, huyện làm một kiểu, các xã cũng không giống nhau.
Có tình trạng lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất chuyên sâu, nhưng tổ chức thực hiện chưa linh hoạt, chưa phù hợp tình hình. Sự phối hợp giữa T.Ư, các bộ, ngành chưa nhịp nhàng. Công cuộc phòng chống dịch liên quan các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, đối ngoại, giao thương hàng hóa, liên quan công việc của cả đất nước, đòi hỏi phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mới chống dịch thành công. Phải linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trên cơ sở thành quả đạt được thời gian qua, cần nghiên cứu giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả như thế nào. Việc góp ý các biện pháp cũng là vấn đề quan trọng. Chúng ta không thể chần chừ vì thời gian có hạn, yêu cầu cao, công việc nhiều, năng lực có hạn. Việc chống dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần. Chúng ta cũng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta nguy hiểm. Điều quan trọng là chúng ta kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung. Việc mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thận trọng từng bước.
Vừa qua chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, rồi đợt ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tạo ra đợt dịch lần thứ 4, đánh vào khu đông người, trung tâm sản xuất lớn. Hiện nay, độ bao phủ vaccine chưa nhiều, do đó phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, huy động sự vào cuộc của nhân dân thì mới thực hiện được công cuộc phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Thủ tướng nhắc nhở, vừa qua, ở một số địa phương, đêm trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Cần đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương.
Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ, công sức, đưa ra được các giải pháp xuyên suốt, tập trung, hiệu quả với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, có sơ kết, tổng kết để làm tốt. Diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, cho nên chúng ta đưa ra những biện pháp gì trên cơ sở nắm chắc các thông tin. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát.
Bộ Y tế cho biết, trong tuần, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 3,9 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm giảm 20,2%. Việc xét nghiệm thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc gộp mẫu. Tỷ lệ xét nghiệm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 109/223 trên thế giới. So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng của cả nước giảm từ 1,6% xuống còn 1,4%. Số lượng vaccine đã phân bổ là hơn 50,2 triệu liều và đã thực hiện tiêm được hơn 35,1 triệu liều, trong đó có khoảng 21,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 6,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Đến 22/9, số ca khỏi bệnh là 484.445 người (68%); số ca đang theo dõi là 340.899, trong đó điều trị tại bệnh viện 104.962 (30,8%), tại khu cách ly tập trung là 134.146 (chiếm 39,4%), điều trị tại nhà là 101.791 (29,8%). Số ca bệnh nặng, nguy kịch 8.894, giảm 12,3% so với tuần trước đó.
Bộ Y tế đã xây dựng “Hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch Covid-19” trên cơ sở tham khảo tài liệu, kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện “mở cửa”, đồng thời thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. Hướng dẫn bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, đến ngày 20/9, xuất cấp gần 59.000 tấn trên tổng số 134.000 tấn gạo cho các địa phương; hỗ trợ gần 17,6 triệu người (gần 17,2 triệu người lao động và gần 379.000 người sử dụng lao động) được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP với kinh phí khoảng 13,9 tỷ đồng, trong đó 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội chiếm 73,9% về đối tượng hỗ trợ. Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi khoảng 6.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 4,9 triệu đối tượng. Các cấp công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.500 tỷ đồng (tăng gần 200 tỷ đồng so với tuần trước đó).
Tính riêng từ ngày 18 đến 20/9, lực lượng quân đội đã cấp thuốc điều trị cho gần 40.000 người, cấp cứu gần 4000 ca, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 160.000 người, tiêm vaccine cho gần 75.000 người, tư vấn sức khỏe cho gần 55.000 người; sử dụng 65 chuyến xe tải, vận chuyển 239 tấn lương thực thực phẩm, hàng nông sản hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn được kiểm soát và có chuyển biến tích cực. Số ca tử vong, số mắc Covid-19 trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh đã chuyển trạng thái. Tình hình ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên một số chỉ số đã tích cực, nhất là số ca tử vong đã giảm.
Thủ tướng nhìn nhận, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, do đó phải rà soát lại. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn so với tốc độ lây lan. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản là tốt nhưng cục bộ vẫn chưa hết được đối tượng, chưa bao quát được địa bàn. Việc 4 tại chỗ phải nghiên cứu thêm, cấp trên hỗ trợ cấp dưới liên quan an sinh xã hội, phòng chống dịch... Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là khi thấy kiểm soát được một số mục tiêu; vẫn còn tụ tập đông người, việc ra đường, ý thức tham gia của nhân dân còn sơ hở, làm diễn biến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các biện pháp công nghệ vẫn chưa hoàn thiện. Công tác truyền thông vẫn chưa chủ động. Cần chú ý đặc thù phải tập trung thống nhất cao, vừa có tính phổ biến nhưng lại có tính đặc thù. Chính sách chung nhưng phải linh hoạt, cần củng cố và tăng cường hơn.
Kinh nghiệm thời gian qua, sau gần hai năm, chúng ta cũng hiểu hơn virus này, xác định đặc thù của nó. Các biện pháp của chúng ta cơ bản đúng hướng phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, tất cả nguyên liệu, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, máy móc, vaccine, thuốc chữa bệnh, bình đựng ô xy… đều đi mua. Trong điều kiện nền kinh tế chúng ta còn khó khăn, sự phân cấp trong hệ thống chính trị còn điểm này điểm kia. Từng bước chúng ta làm đi đúng hướng và hiệu quả. Đó là các biện pháp chống dịch, cách ly, xét nghiệm, vaccine, thuốc chữa bệnh. Vấn đề bây giờ là phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cho thống nhất, có tính hệ thống.
Việc tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả ở các cấp, nhất là ở cơ sở. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải tăng cường giám sát, kiểm tra, định hướng phù hợp, phát hiện ngay, cái gì được thì phát huy; cái gì chưa hoàn chỉnh thì điều chỉnh ngay. Thực tế thấy tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi, việc tổ chức thực hiện thay đổi, sự lãnh đạo chỉ đạo cũng thay đổi. Do đó chúng ta đang xây dựng tinh thần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần thảo luận là chúng ta xác định, không thể có “zero Covid-19”, cho nên phải thích ứng, mà là thích ứng an toàn; phải hoàn thành quy định thích ứng phù hợp, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và văn bản thống nhất, ít văn bản. Các nguyên tắc xác định: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh, ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thành quy định về định hướng thích ứng an toàn; tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Hoàn thiện hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em. Ban hành và thực hiện vào thời điểm phù hợp. Thủ tục mua vaccine, chuyển giao công nghệ phải nhanh. Các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ căn cứ yêu cầu các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đáp ứng yêu cầu về nhân lực, sinh phẩm, trang thiết bị… Bây giờ phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Bây giờ phải tập trung cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh chung quanh. Khi ta kiểm soát tốt các khu vực này sẽ làm tốt các khu vực khác.
Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện an sinh xã hội, biện pháp y tế, không để sót các đối tượng, địa bàn phải làm an sinh xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì việc này. Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, quyền hạn phải phối hợp chặt chẽ, vừa phòng chống dịch tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để từng bước nới lỏng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu đề ra. Truyền thông tiếp tục thực hiện “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin - Dân theo - Dân làm”, đề cao nhận thức của nhân dân tuân thủ các biện pháp đưa ra. Công tác tuyên truyền phải làm tốt hơn, chủ động hơn; ban hành app thống nhất cho người dân sử dụng thuận tiện, tránh phiền hà.
Bộ Tài chính căn cứ quy định hiện hành, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, thúc đẩy hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Các Tiểu ban cần tổ chức thực hiện, có kiểm tra, giám sát, có báo cáo. Đồng thời với phòng, chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện, giải pháp chống dịch nhất là mua sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine; phòng chống việc xuyên tạc, đưa tin xấu, độc hại, chống tư tưởng võ đoán, gây mất đoàn kết, hoang mang dư luận. Các cơ quan chức năng nếu có chứng cứ phải xử lý những vi phạm này ngay. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên tiêm vaccine đúng đối tượng, đúng địa bàn. Làm tốt công tác khen thưởng cả vật chất, tinh thần, làm tốt chính sách hậu phương cho những người tham gia lực lượng tuyến đầu; khẩn trương ban hành quy định để tiêm vaccine cho trẻ em.