Thị trường phục hồi, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

NDO -

Khi thị trường thế giới đang phục hồi nhu cầu nhanh chóng, doanh nghiệp trong nước đang tận dụng thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng sau một năm nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để nắm bắt cơ hội từ thị trường.
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để nắm bắt cơ hội từ thị trường.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất

Từng có những thời gian vô cùng khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, hay giãn cách kéo dài gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công đã tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng. Tín hiệu mừng là đến nay, công ty đã nhận được đơn hàng đến hết quý III/2022.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để đáp ứng được các đơn hàng đã được ký kết, công ty đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhà máy may Thành Công tại tỉnh Vĩnh Long quy mô 1.500 lao động. Xác định đầu tư lâu dài để hướng tới sản xuất bền vững, Thành Công đang bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán và môi trường của những khách hàng khó tính tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU... Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu tháng 4/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

“Nhu cầu của thị trường đang ở mức rất lớn. Với Thành Công hay bất cứ một doanh nghiệp nào trong ngành dệt may, đơn hàng hiện không phải là vấn đề cần quan tâm. Điều quan trọng hiện nay là giải quyết bài toán lao động khi nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp đều ở rất cao và sự cạnh tranh trên thị trường lao động là rất lớn. Giải quyết được vấn đề này, vấn đề tăng trưởng cho năm 2022 sẽ không quá đáng ngại”, ông Trần Như Tùng chia sẻ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nhưng năm vừa qua, Samsung Việt Nam đã tăng trưởng sản xuất kinh doanh đến 14%. Đầu năm 2022, Samsung cũng đã chính thức ra mắt loạt sản phẩm mới nhất thuộc dòng điện thoại Galaxy S và máy tính bảng Tab S của mình, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện.

Trong 2 tháng đầu năm, Samsung vừa tổ chức tuyển dụng trên 2.400 kỹ sư có tay nghề cao để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất trong thời gian sắp tới. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho hay, trong thời gian tới Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để gia tăng giá trị sản xuất và đạt vị thế kinh doanh cao hơn tại Việt Nam.

Ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi sản xuất, tăng trưởng trở lại. Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 của cả nước đã tăng 8,5% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ 4 tăng liên tiếp.

Chỉ trong 2 tháng qua, đã có hơn 22.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang gặp tương đối nhiều thuận lợi khi thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu tương đối rộng mở, nhiều đơn hàng cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất.

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí

Thị trường là có, nhu cầu khá nhiều, song khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện hiện nay chính là chi phí gia tăng khi nhiều nguyên liệu đầu vào sản xuất đang có xu hướng tăng giá.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ rõ, chi phí vận chuyển đang là nỗi lo lớn của doanh nghiệp dệt may. Giá xăng dầu thế giới tăng liên tiếp trong thời gian gần đây tiếp tục làm nghiêm trọng thêm vấn đề. Cước vận chuyển một container 40 feet từ châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ hiện tại đã tăng hơn 10 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh và được dự báo tiếp tục tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là thời điểm cần giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Đặc biệt là thuế, phí với xăng dầu – sản phẩm đầu vào quan trọng cho sản xuất. Theo đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là việc cần làm ngay vì việc triển khai đơn giản và có tính khả thi cao.

Đồng ý kiến, mới đây, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít. Nếu được thông qua, việc giảm thuế phí này sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Đối với Bộ Công thương, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công thương sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, giúp doanh nghiệp khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động, phục vụ cho sản xuất.

“Trong đó, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội từ thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.

Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Tiếp tục xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước.

Phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững