Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục diễn biến phân hóa, đón nhận lực mua khá tích cực trong ngày giao dịch hôm qua (21/2).
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực

Đồng loạt 6 mặt hàng nông sản giảm giá, đi ngược chiều với nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại.

Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng trong sắc xanh đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,51% lên 2.123 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.100 tỷ đồng.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực ảnh 1

Giá ngô xuống thấp kỷ lục trong ba năm qua

Theo MXV, khép lại ngày giao dịch hôm qua, giá 6/7 mặt hàng nhóm nông sản đều đi xuống. Trong đó, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm vào hôm qua. Sau giai đoạn giằng co trong phiên sáng, phe bán đã dần chiếm lĩnh thị trường và đẩy giá ngô giảm dần. Triển vọng nguồn cung dồi dào từ khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là tiến độ mùa vụ được đẩy mạnh từ Brazil là yếu tố đã tạo sức ép lên giá.

Theo khảo sát của Sở Kinh tế Nông thôn Paraná (Deral), hoạt động gieo trồng ngô vụ 2 niên vụ 2023/24 đang được đẩy mạnh. Tính đến ngày 20/2, Deral cho biết, nông dân đã trồng trên 55% diện tích dự kiến và 95% được đánh giá đạt chất lượng tốt/tuyệt vời. Phân tích chi tiết các vùng của Paraná, Deral cho biết, ngô vụ 2 có khả năng nảy mầm tốt ở khu vực phía bắc và Đông Bắc. Ngoài ra, hoạt động trồng ngô đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhờ mưa cải thiện độ ẩm đất ở hầu hết các khu vực. Diện tích ngô vụ 2 gieo trồng sớm sẽ tránh được những rủi ro thời tiết vào cuối vụ, đặc biệt là hiện tượng sương giá sớm. Là bang sản xuất lớn thứ 2 tại Brazil (sau Mato Grosso), tiến độ mùa vụ được đẩy mạnh tại Parana đã thúc đẩy lực bán đối với ngô vào hôm qua.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực ảnh 2

Tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires cho biết, dự kiến mưa sẽ xuất hiện trong vài ngày tới tại khu vực đồng bằng Pampas. Nhờ lượng mưa này, ngô tại Argentina có thể tiếp tục phục hồi năng suất sau khi phải gánh chịu thiệt hại trong giai đoạn nắng nóng vừa qua, gây sức ép lên giá.

Tương tự ngô, lúa mì cũng suy yếu sau khởi đầu mạnh mẽ vào đầu tuần.Thị trường biến động tương đối rung lắc nhưng phe bán vẫn có phần chiếm ưu thế do kỳ vọng nguồn cung nới lỏng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/2, giá lúa mì ghi nhận mức giảm nhẹ 0,22%.

Trong báo cáo hàng tuần, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã nâng dự báo xuất khẩu lúa mì tháng 2 của nước này lên mức 715.800 tấn, tăng mạnh so mức 497.950 tấn trong dự báo đầu tiên và cao hơn mức 522.988 tấn cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó Bộ nông nghiệp Ukraine cho biết, nước này đã xuất khẩu 600.000 tấn ngũ cốc qua Romania để tới thị trường châu Âu trong nửa đầu tháng 2, sau giai đoạn ngừng vận chuyển do EU áp đặt lệnh hạn chế ngũ cốc. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh từ các quốc gia sản xuất lớn đang xoa dịu những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, tạo áp lực lên giá lúa mì CBOT.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 21/2 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tăng nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 3 ở mức 6.200-6.250 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá chào bán dao động ở mức 6.000-6.150 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 150 đồng/kg so giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Dòng tiền “thoát khỏi” nhóm kim loại quý

Ngày giao dịch 21/2, các mặt hàng kim loại tiếp tục diễn biến phân hóa khi thị trường tập trung vào nội dung biên bản họp lãi suất tháng 1 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Kim loại quý vốn nhạy cảm với biến động lãi suất chịu sức ép nhiều hơn. Cụ thể, giá bạc chốt ngày giảm 1,13% xuống 22,87 USD/ounce. Bạch kim giảm 2,79% xuống 888,8 USD/ounce.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực ảnh 3

Phần lớn quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đều lo ngại về rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá sớm, đồng thời tỏ ra không chắc chắn về việc chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu. Phần lớn ý kiến đều lưu ý đến rủi ro của việc xoay chuyển sang lập trường nới lỏng quá nhanh, trong khi chỉ có một số ít quan chức chỉ ra những rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế nếu duy trì chính sách hạn chế quá lâu. Những người tham gia nhận thấy lạm phát đã giảm bớt trong năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Các quan chức đều lo ngại rằng lạm phát tăng cao có thể tiếp tục gây tổn hại cho các hộ gia đình, đặc biệt là những người có nguồn tài chính hạn hẹp.

Lập trường trong biên bản cuộc họp lần này đã khác biệt hẳn với những biên bản trong cuộc họp trước đó, chủ yếu nhấn mạnh rủi ro lạm phát còn tiềm ẩn, và nhiệm vụ thắt chặt tiền tệ của FED vẫn chưa kết thúc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng gần 1%, duy trì ở vùng cao nhất trong hơn 2 tháng qua, phản ánh kỳ vọng FED sẽ chưa sớm hạ lãi suất. Dòng tiền tiếp tục tháo chạy khỏi nhóm kim loại quý do tính chất kém hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao, kéo theo đà giảm mạnh của giá bạc và bạch kim trong phiên.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, biến động có phần trái chiều, nhưng phần lớn đều ghi nhận đà tăng giá, trái ngược xu hướng của nhóm kim loại quý. Ngoại trừ đà giảm 1,46% của quặng sắt và 0,47% của thiếc LME, các kim loại cơ bản khác đều kết phiên trong sắc xanh. Đáng chú ý nhất, giá nickel LME tăng mạnh 3,57% lên 16.930 USD/tấn. Giá nhôm LME tăng trên 1% lên 2.219,5 USD/tấn. Đà tăng chủ yếu xuất phát từ suy đoán rằng một làn sóng trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể nhắm vào kim loại và làm gián đoạn nguồn cung.