Sự lao dốc gần 6% của giá khí tự nhiên kéo chỉ số MXV-Index Năng lượng dẫn đầu đà giảm điểm. Trong khi đó, nhóm kim loại đón nhận lực mua tương đối mạnh. Tuy nhiên, với sức hút của dầu thô, mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư vẫn được phân bổ mạnh mẽ vào nhóm năng lượng. Kết thúc phiên, giá trị giao dịch toàn Sở tăng nhẹ 4,32%, đạt mức 3.880 tỷ đồng.
Dữ liệu vĩ mô hỗ trợ cho đà phục hồi của giá dầu
Dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 8/8, với WTI thành công trong việc lấy lại mốc 90 USD/thùng. Cụ thể, giá WTI tăng 1,97% lên 90,76 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,82% lên 96,65 USD/thùng.
Giá dầu biến động giằng co trong suốt phiên, tuy nhiên lực mua tăng dần trở lại trong phiên tối đã giúp cho giá dầu WTI lấy lại cột mốc quan trọng. Theo MXV, các dữ liệu vĩ mô tiếp tục chứng tỏ là yếu tố chính dẫn dắt thị trường dầu trong thời điểm hiện tại. Thông tin về dữ liệu việc làm tích cực tại Mỹ trong tháng 7 và thặng dư thương mại tại Trung Quốc vượt kỳ vọng của giới phân tích là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu trong phiên sáng.
Bên cạnh đó, đến phiên tối, thông tin về diễn biến cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ-Iran đã thúc đẩy giá dầu tăng lên. Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra dự thảo cuối cùng cho các bên, và chỉ còn đợi Mỹ và Iran đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy vậy, việc Iran vẫn tiếp tục làm giàu Uranium và hạn chế không cho phép các đoàn kiểm tra làm việc đang khiến cho khả năng thỏa thuận thành công ngày càng nhỏ. Điều này tiếp tục cản trở sự mở rộng tiềm năng của nguồn cung dầu từ Iran.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, khả năng giá dầu tăng trong thời gian tới vẫn còn rất cao, đặc biệt khi nguồn cung sụt giảm trong các tháng gần đây do các sự cố, điển hình là tình trạng bất khả kháng tại các cảng xuất khẩu tại Libya. Goldman Sachs cũng tin tưởng rằng khi giá Brent tại vùng 110 USD/thùng, nhu cầu vẫn chưa thể giảm mạnh. Tuy vậy, họ hạ dự đoán giá dầu trong quý III từ 140 USD/thùng xuống 110 USD/thùng.
Kim loại quý tăng mạnh trước kỳ vọng thu hẹp đà tăng lãi suất
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, sắc xanh cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm kim loại. Giá vàng phục hồi với mức tăng 0,81% lên 1788,52 USD/ounce. Bạc ghi nhận phiên tăng vọt 3,89% lên mức 20,61 USD/ounce, mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 6 cho đến nay. Bạch kim có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, đóng cửa tại 938,4 USD/ounce sau khi tăng 1,48%.
Nhóm kim loại quý đón nhận lực mua tích cực trong phiên giao dịch hôm qua nhờ các dữ liệu khảo sát cho thấy kỳ vọng về lạm phát của người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng giảm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thu hẹp đà tăng lãi suất trong tương lai. Đồng dollar Mỹ suy yếu trở lại, do đó, giá nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với mức lãi suất và đồng USD đã được hỗ trợ với mức tăng mạnh mẽ.
Cụ thể, theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang New York, kỳ vọng trung bình về lạm phát trong 1 năm tới giảm 0,6 điểm phần trăm xuống 6,2% và triển vọng 3 năm giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 3,2%. Đây lần lượt là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng hai năm nay và tháng tư năm ngoái, được thúc đẩy bởi sự suy yếu của giá năng lượng và thực phẩm.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua mạnh mẽ xuất hiện vào nửa cuối phiên đã giúp giá đồng COMEX có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, mức tăng 0,97% lên 3,58 USD/pound. Quặng sắt cũng đóng cửa trong sắc xanh sau khi tăng 2,35%. Dữ liệu về thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 7, đặc biệt là xuất khẩu tăng vọt 18% so cùng kỳ năm ngoái đã đem lại triển vọng tích cực hơn cho đà phục hồi kinh tế tại quốc gia này. Đây là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại cơ bản trong phiên ngày 8/8. Bên cạnh đó, đà tăng của giá đồng còn được hỗ trợ bởi nguồn cung đang cho thấy dấu hiệu thắt chặt khi tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải giảm về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép trong 7 tháng đầu năm nay
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7, xuất khẩu sắt thép các loại của nước ta đạt mức 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép đạt mức 909.245 tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lũy kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%.
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngành thép Việt Nam cũng đã gặt hái được thành tựu to lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu thép vào năm 2021. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại.
Theo MXV, hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tiếp tục bám sát các diễn biến giá sắt thép trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm, đồng thời tăng cường đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy tự chủ đối với lĩnh vực tiềm năng này.