Thị trường âm nhạc Việt: Chinh phục khán giả bằng chất lượng

Những năm qua, thị trường âm nhạc Việt Nam có nhiều khởi sắc. Cùng với sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới, không ít nghệ sĩ vốn đã quen thuộc với công chúng cũng tích cực thay đổi hình ảnh. Các sản phẩm âm nhạc thể hiện cá tính sáng tạo, với nhiều đột phá, tạo nên sự sôi động cho đời sống âm nhạc nước nhà. Tiêu biểu có thể kể đến sự kết hợp thú vị giữa âm nhạc hiện đại với chất liệu dân gian, nhạc rap với nhạc giao hưởng…
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường âm nhạc Việt: Chinh phục khán giả bằng chất lượng

Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, đã và đang xuất hiện những sản phẩm kém chất lượng, ca từ dung tục phản cảm, hình ảnh xuất hiện trong video âm nhạc (MV) không phù hợp thuần phong, mỹ tục, phản văn hóa, kích động bạo lực... Ðáng lo ngại là các sản phẩm âm nhạc này xuất hiện tràn lan trên mạng, có chiều hướng tăng, thậm chí có những MV thu hút hàng triệu lượt người xem.

Mới đây, ca khúc “Ðể ai cần” của ca sĩ B Ray với ngôn từ phản cảm, tục tĩu thiếu tôn trọng phụ nữ đã vấp phải sự phản ứng của người nghe. Không chỉ xuất hiện trên mạng, ca khúc này còn được B Ray biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước phản ứng của dư luận xã hội, chiều 4/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã đề nghị nam ca sĩ và đơn vị tổ chức show tường trình cụ thể về các vấn đề đang được quan tâm, trên cơ sở đó sẽ có biện pháp xử lý phù hợp mức độ sai phạm.

Hiện B Ray đã gỡ bỏ ca khúc gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội nhưng trước đó, nhiều người đã tiếp cận với MV, những thông điệp tiêu cực trong tác phẩm đã được một bộ phận khán giả khai thác, tạo trend trên một số diễn đàn mạng.

B Ray không phải là trường hợp cá biệt trong đời sống âm nhạc hiện nay. Trước đó, có thể kể đến MV “There’s no one at all” (Không có ai cả) của ca sĩ Sơn Tùng M-TP xuất hiện nhiều cảnh bạo lực, thiếu tính giáo dục, đặc biệt cảnh nhân vật tự tử tác động tiêu cực đến tâm lý người xem, nhất là giới trẻ, đã bị cơ quan chức năng xử phạt 70 triệu đồng, buộc gỡ bỏ MV khỏi các nền tảng số.

Tương tự, ca sĩ Chị Cả phải nhận mức xử phạt 35 triệu đồng vì lưu hành bản ghi âm “Censored” (Mua cho con chiếc còng tay) trên mạng xã hội có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đồng thời phải tháo gỡ, tiêu hủy bản ghi âm; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do lưu hành bản ghi âm trên mạng xã hội… Tuy nhiên, các trường hợp bị xử phạt này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhất là trong bối cảnh các nghệ sĩ đang gia tăng sự xuất hiện của mình trên các nền tảng mạng xã hội.

Từ những sai phạm bị phát hiện và xử lý thời gian qua cho thấy một số nghệ sĩ đã và đang có nhận thức chưa đúng đắn về tác động mà các sản phẩm âm nhạc có thể gây ra với cộng đồng nên đã lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh minh họa thiếu tinh tế, chưa phù hợp văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến một bộ phận nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ vì nóng lòng tạo viral (hiệu ứng lan tỏa) giữa một thị trường âm nhạc đông đúc và náo nhiệt nên cố tình tạo ra những sản phẩm có tính chất giật gân, khai thác quá sâu các yếu tố tình dục, bạo lực, bất chấp các hậu quả có thể xảy ra, sẵn sàng nộp phạt theo yêu cầu của cơ quan chức năng vì cho rằng như vậy cũng là một cách được biết đến nhiều hơn.

Ðây thật sự là một quan điểm nghệ thuật rất đáng lo ngại vì họ sẽ khiến thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn, kéo theo những chiêu trò xuất hiện thiếu lành mạnh. Cần khẳng định rằng, chỉ có lao động nghệ thuật nghiêm túc, bằng chính tài năng đích thực mới giúp người nghệ sĩ tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có chỗ đứng bền vững trong lòng công chúng.