Thị trường AI toàn cầu tăng trưởng với tốc độ kép

NDO - Dự kiến, thị trường AI toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ kép (CAGR), hơn 38% từ năm 2022 đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp trưng bày các giải pháp AI tại hội thảo.
Các doanh nghiệp trưng bày các giải pháp AI tại hội thảo.

Ngày 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VNITO) phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter), các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo“Giải pháp AI cho doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá, tăng năng suất, hiệu quả làm việc và giảm chi phí.

Trước thực trạng này, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghệ AI đã tạo ra rất nhiều giải pháp AI có thể phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng việc áp dụng trong các ngành còn rất hạn chế.

Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, thị trường AI toàn cầu được định giá khoảng 93,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 38,1% từ năm 2022 đến năm 2030.

Sự phát triển này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của AI trong việc hỗ trợ và cải tiến các hoạt động kinh doanh, cũng như trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam, mục tiêu của hội thảo là giúp doanh nghiệp các ngành hiểu rõ về cách thức và quy trình áp dụng AI để thúc đẩy phong trào áp dụng AI trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp muốn triển khai chương trình AI, tiếp nối chương trình chuyển đổi số, nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu.

Thị trường AI toàn cầu tăng trưởng với tốc độ kép ảnh 1

Quang cảnh hội thảo “Giải pháp AI cho doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn Công nghệ TMA chia sẻ rằng, trong vài năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng AI ở nhiều lĩnh vực như: sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, y tế...

Các doanh nghiệp thường đặt ra các mục tiêu của việc ứng dụng AI như tăng doanh thu, nâng cao trải nghiệm người dùng hay tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và sức lao động.

Để tận dụng và bắt đầu quá trình ứng dụng AI một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu, chiến lược và lựa chọn công nghệ phù hợp.

Ông Phạm Tuấn Anh đưa ra thí dụ, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp camera thông minh để kiểm soát an ninh, công nghệ RPA (nhận diện ứng dụng quang học) để tự động hóa quy trình lặp đi lặp lại, và GenAI để hỗ trợ dịch vụ chăm sóc khách hàng hay cho mục đích sáng tạo nội dung phục vụ marketing.

Tuy nhiên, để ứng dụng AI thành công, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến chiến lược dữ liệu. Xây dựng và quản lý dữ liệu hiệu quả là nền tảng then chốt, bảo đảm cho các mô hình AI hoạt động hiệu quả và mang lại giá trị lâu dài.

Tại hội thảo, Công viên phần mềm Quang Trung đã tổng hợp gần 100 giải pháp AI của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực: Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh); smart camera; OCR/NLP (công nghệ nhận diện ứng dụng quang học-xử lý ngôn ngữ tự nhiên); Data Analytic & Prediction (phân tích dữ liệu và dự đoán); Robotic Process Automation (tự động hóa quy trình và kiểm tra).

Các giải pháp AI này phục vụ cho tất cả các ngành nghề: thương mại điện tử, bán lẻ, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, an ninh thông tin, CNTT, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, spa, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất… và còn nhiều ngành nữa.